(Dân trí) – Đối với nghề tiếp viên phục vụ ngành đường sắt, mỗi chuyến tàu là một câu chuyện riêng. Ở đó họ đã tìm thấy những niềm vui, tiếng cười và đâu đó cả những nỗi buồn.
Dù đã có hàng chục năm phục vụ ngành đường sắt với hàng trăm chuyến tàu xuôi, ngược nhưng đối với những người phục vụ thì mỗi chuyến tàu là một câu chuyện có cả niềm vui và nỗi buồn.
Cùng học tại trường đào tạo nghề đường sắt, làm việc cùng ngành, anh Đinh Như Lưu (47 tuổi, quê Ninh Bình) và chị Trần Thị Vân An (43 tuổi, quê Thái Bình) gặp nhau, lên duyên vợ chồng nhờ những chuyến tàu. Họ là 1 trong số gần 10 cặp vợ chồng cùng là tiếp viên thuộc Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội (Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội).
Tuổi thơ của anh Lưu gắn liền với ga Cầu Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) khi chứng kiến công việc hàng ngày của cô, chú, rồi có bố cũng là những nhân viên đường sắt. Vì thế, anh hiểu rõ những thiệt thòi mà nhân viên ngành đường sắt gặp phải nhưng lại nảy sinh tình yêu với các toa tàu lúc nào không hay.
“Tôi luôn tâm niệm sẽ không lấy vợ cùng ngành, nhưng không thích của nào trời trao của ấy, càng tránh duyên lại càng đưa đẩy, từ bạn học, công tác cùng ngành rồi trở thành vợ chồng” anh Lưu vui vẻ nói.
Vào ngành từ năm 2002 đến nay đã được 22 năm, anh Lưu đã trải qua rất nhiều vị trí, từ nhân viên tàu hàng, tiếp viên rồi trưởng tàu khách phụ trách an toàn, đảm nhiệm an toàn khi khách lên và xuống ga, cũng như trong lúc đoàn tàu di chuyển,…
Anh tâm sự, làm việc trên tàu tuy vất vả nhưng cũng có nhiều thú vui, vui là được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và nhìn ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của đất nước qua khung cửa sổ. Có lẽ vì vậy anh Lưu đã trở thành “nhà thơ cây nhà lá vườn” của Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội. Tại đây, không ai là không biết đến biệt danh Lưu “Thơ”.
Khoe với phóng viên, anh kể: “Tôi có cái thú làm thơ từ hồi cấp 3, cũng sáng tác nhiều bài. Bài nào hay tôi khoe lên mạng xã hội cho bạn bè cùng đọc, bài nào thiếu tự tin hơn chép vào sổ làm kỷ niệm”.
Riêng về ngành đường sắt, anh Lưu đã sáng tác hơn chục bài thơ, hầu hết nội dung miêu tả cảnh thiên nhiên, đất nước nhìn qua cửa sổ tàu hay cảm xúc nhớ tàu, nhớ khách khi được nghỉ dài ngày được thể hiện đầy tình tứ trong bài thơ Tiếng còi tàu:
Nhớ lắm! Dòng sông với núi đồi
Dọc theo đất nước dẫu xa xôi
Hai bên ngập nắng cùng hoa trắng
Như vẫy, như chào tiếng còi tàu!
Hay như lời “thú tội” của anh nhân viên đường sắt mỗi khi tàu chậm chuyến trong bài thơ Bắt đền anh:
Tàu đến ga rồi đó em ơi!
Vầng dương ửng đỏ góc chân trời
Tuy rằng hơi chậm so quy định
Em hãy cảm thông! Nở nụ cười!
Vợ anh, chị Vân An là tiếp viên phục vụ ăn uống cho hành khách trên tàu. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị cho biết bản thân lúc đầu không nghĩ sẽ lấy anh Lưu mà chỉ coi là bạn thân. Xong lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, đến năm 2005 anh chị quyết định về chung một nhà và đã có một con trai.
Thời gian đầu, anh Lưu công tác tại bộ phận khai thác vận tải đường sắt tại ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) còn chị An làm việc tại Đoàn tiếp viên đường sắt. Ngày mới lấy nhau, mặc dù làm chung ngành nhưng hai vợ chồng thường xuyên lâm vào cảnh “yêu xa”, xa nhà, xa gia đình. Đến tháng 11/2011, anh Lưu mới quyết định chuyển về công tác cùng cơ quan vợ.
“Khi con còn nhỏ, hai vợ chồng tôi làm khác tổ, lệch ca. Sau này, không may gia đình xảy ra biến cố nên hai vợ chồng xin về làm cùng tổ để thuận tiện hơn trong công việc”, chị tâm sự.
Tiếp lời vợ, anh Lưu cho biết thêm, biến cố ấy xảy ra vào năm 2017, trên đường di chuyển từ nơi làm việc về nhà chẳng may chị An bị tai nạn giao thông. Cú va chạm mạnh đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý nên chị không thể tự di chuyển bằng xe máy. Vì vậy, anh quyết định xin chuyển nơi làm việc để hai vợ chồng được làm cùng tổ, cùng làm trên một chuyến tàu.
Mỗi chuyến đi làm, chị Lê Thanh Hải (47 tuổi, quê Yên Bái), thành viên Đoàn tiếp viên Hà Nội đều phải thức giấc từ 23h, sửa soạn hành lý rồi “trốn” con ra ga Yên Bái để kịp bắt chuyến tàu lúc 00h10 và đến Hà Nội khoảng 5h.
Chẳng kịp nghỉ ngơi lâu, chị bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị, dọn dẹp toa xe, lên ban nhận nhiệm vụ cho chuyến tàu Hà Nội – Sài Gòn xuất phát vào 15h30. Công việc hàng ngày của một tiếp viên như chị Hải là dọn dẹp khoang xe, kiểm soát vé, hướng dẫn hành khách lên tàu, sắp xếp vị trí, giúp hành khách ổn định chỗ ngồi và đồ đạc trước khi tàu di chuyển.
Khi gặp những hành khách cao tuổi, người khuyết tật, bệnh nhân hay phụ nữ mang thai chị Hải và đồng nghiệp luôn nhiệt tình giúp đỡ. Họ coi đó là nhiệm vụ của mình, giúp đỡ tận tâm, hết sức có thể.
Kể về những kỷ niệm đã qua, giọng chị Hải bỗng chùng xuống, mắt ngấn lệ, hồi tưởng lại chặng đường 22 năm gắn bó với những chuyến tàu xuôi, ngược. Người phụ nữ từng chứng kiến nhiều câu chuyện trên các chuyến tàu suốt chặng đường từ Bắc vào Nam, vui có nhưng buồn cũng không ít.
“Hành khách có người này, người nọ, có người rất niềm nở, nhiệt tình với tiếp viên lại có người hay nổi nóng, khiếm nhã. Có lần, như thường lệ khách hàng xuống ga, tôi thực hiện công việc dọn dẹp khoang tàu nhưng bị một nam hành khách cản trở.
Mặc dù tôi đã giải thích về công việc nhưng người này phớt lờ, thậm chí còn tỏ thái độ, tay đập mạnh xuống bàn quát lớn, muốn gây gổ. Lúc này, tôi sợ tái mặt, tìm một góc vắng người rồi khóc”, chị Hải kể.
Chị tâm sự, tiếp viên tàu là nghề đặc thù, thường xuyên phải bám tàu nên có nhiều thiệt thòi. Nhớ hồi mới sinh con hay khi con còn nhỏ, chị phải thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, vừa là một người vợ, người mẹ vừa là nhân viên phục vụ ngành đường sắt. Mỗi lần đi làm chị phải xa nhà 3-5 ngày.
Đã làm nghề này việc xa chồng, xa con không ai tránh khỏi, đặc biệt vào mỗi dịp lễ, Tết phải ở trên tàu vừa là niềm vui nhưng cũng là nỗi buồn. Vui vì mình đang đưa những người xa quê về đoàn tụ với gia đình, còn buồn vì không được đoàn tụ bên gia đình trong khoảnh khắc thiêng liêng chào đón năm mới.
Đối với những đoàn tàu chạy xuyên đêm giao thừa, khi rảnh anh, chị em trên tàu tổ chức tất niên, đón năm mới, cùng gửi những lời chúc, lời động viên nhau,…
“Đằng sau những khoảnh khắc ấy, cảm xúc phụ nữ trỗi dậy đôi khi khiến mình cảm thấy nghẹn lời, tủi thân vì nhớ nhà, nhớ con”, chị bộc bạch.
Thấm thoát đã 22 năm gắn bó với nghề, chị cho biết, tình cảm mình dành cho công việc quá lớn, bởi nó cho chị được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và có thêm những trải nghiệm đầy thú vị. Dù công việc có vất vả, thời gian làm việc kéo dài nhưng nữ tiếp viên quyết định sẽ gắn bó với nghề đến lúc về hưu.
Chị luôn mong ước ngành đường sắt sẽ ngày càng phát triển, có thêm những chuyến tàu chất lượng cao và tàu cao tốc. Khi đó chị sẽ được phục vụ nhiều hành khách hơn và khách hàng cũng sẽ có thêm nhiều trải nghiệm tốt, ấn tượng tốt với ngành, nhất là về những người tiếp viên tàu hỏa.
Đối với anh Phùng Anh Tuân (47 tuổi, Trưởng tàu phụ trách an toàn kiêm tiếp viên), ngay từ khi còn bé, anh đã được bố dẫn ra ga tàu hay đứng kế bên đường ray quan sát những chuyến tàu xuôi, ngược. Hay đơn giản là qua hình ảnh những công trình đường sắt, những câu chuyện nghề bố kể mà anh chẳng biết đã yêu, khao khát được gắn bó, được phục vụ hành khách lúc nào chẳng hay.
Tình yêu với những chuyến tàu cứ lớn dần lên, đến khi học hết cấp 3, anh Tuân quyết định thi vào trường đào tạo của ngành đường sắt. Tốt nghiệp, anh gắn bó với công việc tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam, đến nay đã được hơn 20 năm.
Anh kể, mỗi hành trình tàu chạy là một câu chuyện. Nói về những khoảnh khắc đó, anh nhớ lại một ngày tháng 5/2022, trên hành trình ga Hà Nội – Sài Gòn, khi tàu đến ga Yên Trung (tỉnh Hà Tĩnh) anh gặp 1 vị khách đặc biệt.
Đó là một người đàn ông ngoài 60 tuổi, bị khiếm khuyết cả đôi tay và hai chân, được người thân chở bằng xe máy đến ga tàu. Nhìn thấy khoảnh khắc ấy anh lặng người một lúc. Giây lát sau, anh vội bế vị khách đặc biệt vào ghế ngồi đã đặt trên tàu.
Khi bế khách vào ghế, tâm sự anh được biết vị khách bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, ngay cả việc di chuyển, sinh hoạt hàng ngày cũng rất khó khăn. Thế nhưng thay vì nghỉ ngơi, vị khách này lại chọn cách di chuyển từ Hà Tĩnh vào Nha Trang bán vé số hoặc ai thuê gì làm đấy để kiếm sống qua ngày.
“Hình ảnh con người tàn nhưng không phế ấy đã trở thành động lực để tôi bám trụ với nghề đến ngày hôm nay và cả sau này” anh Tuân chia sẻ.
Sau này, anh Tuân có dịp gặp lại vị khách đặc biệt thêm một vài lần. Ông cụ đã trở thành khách hàng thường xuyên, đều đặn mỗi năm ít nhất 4 lần của những chuyến tàu Bắc – Nam. Đang trò chuyện vui vẻ, bất chợt giọng anh trầm xuống, hít một hơi rồi thở dài khi nhắc đến câu chuyện về thu nhập.
Anh cho hay, thu nhập của những người phục vụ trên tàu dựa vào hai yếu tố là số lượng chuyến tàu và số lượng hành khách. Đi càng nhiều chuyến, tàu càng đông khách thu nhập của nhân viên càng cao.
Vào đợt cao điểm như những tháng gần đây, trung bình mỗi tháng đi từ 5 chuyến trở lên thu nhập của tiếp viên khoảng 7,5 triệu đến hơn 10 triệu đồng.
“Đợt nào khách ít, tàu thưa thu nhập của anh em rất thấp, đâu đó khoảng 5 triệu đồng. Ai có nhà ở Hà Nội còn đỡ, người nào phải thuê trọ, chi phí sinh hoạt đắt đỏ sẽ không đủ chi tiêu” anh Tuân bộc bạch.
Sau mỗi chuyến tàu thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, tiếp viên được nghỉ 2-3 ngày. Thời gian rảnh anh lại qua kho phân loại của một số công ty logistics làm bán thời gian hoặc bật app trở thành tài xế xe ôm công nghệ; nhiều tháng, thu nhập nghề tay trái cao hơn hoặc bằng nghề tay phải.
Trong khoang bếp rộng chừng 15m2 nhưng chứa đủ thứ như tủ lạnh, thực phẩm, khu vực rửa, nồi, niêu, xoong, chảo… và có đến 4 chiếc bếp ga, không gian trống còn lại chỉ đủ cho một người xoay xở.
Khi cả 4 chiếc bếp cùng hoạt động, bếp trưởng Phạm Văn Khải (34 tuổi, quê Nam Định) nhân viên thuộc Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội ví von “toa bếp nóng như lò luyện đan”, nếu ai không quen chỉ chịu được 5-10 phút là phải chui ra ngoài để thở. Vậy mà vị bếp trưởng này đã gắn bó với khoang bếp được 14 năm.
Anh bộc bạch, nấu ăn trên tàu giống như “học võ”, phải có nhu, có cương. Cương là hai chân phải vững, nhiều lúc trùng gối, hạ thấp trọng tâm như đang đứng tấn để giữ vững thăng bằng mỗi khi tàu khởi hành hoặc phanh hãm; nhu là phải uyển chuyển nhịp nhàng theo “vũ điệu” tàu vào cua, nếu không cẩn thận đồ ăn đang đun trên chảo hay đang bưng trên tay có thể rơi ngay xuống đất.
Tại ga Hà Nội, thực phẩm, rau củ tươi, nước sạch… để chế biến món ăn phục vụ trên tàu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu thiếu mới cần bổ sung thêm ở các ga khác; toàn bộ nguyên liệu phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của ngành đường sắt, có nguồn gốc rõ ràng, không để xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm.
Trong khoang bếp chật hẹp, phóng viên cảm nhận được rõ sự vất vả khi anh Khải phải đánh vật với chảo lạc chiên muối. Mặc dù miền Bắc đã vào mùa đông nhưng thời tiết vẫn nắng hanh, người bếp trưởng luôn đẫm mồ hôi bởi sức nóng tỏa ra từ bếp. Là đầu bếp duy nhất trên tàu, vừa đảo lạc, anh Khải vừa phải chuẩn bị nguyên liệu để chế biến các món khác.
“Bữa ăn trên tàu hỏa không sang như trên máy bay, không được chuẩn bị trước nên đầu bếp phải chuẩn bị từ A đến Z. Thường chỉ có vài món chính như cơm trắng, thịt kho tàu, sườn xào chua ngọt, gà rang, rau xào, canh,… ngoài ra còn có thêm mì gói, cháo khi khách có yêu cầu thêm”, anh Khải nói.
Là thành viên cùng tổ tàu, anh Nguyễn Trần Văn Lưu, Trưởng tàu khách, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội đánh giá cao về năng lực, tinh thần, trách nhiệm công việc của tất cả thành viên trong ban.
Anh chia sẻ, thông thường trên những chuyến tàu Bắc – Nam có hơn 20 thành viên, làm tất cả các việc. Trên đầu máy có lái tàu và phụ lái, mỗi toa hành khách có 1 tiếp viên, toa bếp có 1 bếp trưởng và 1 tiếp viên phục vụ ăn uống. Ngoài ra các vị trí đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ,… đều có người đảm nhiệm.
Nhân viên trên tàu hầu hết quê ở miền Trung, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Nhiều người ở xa cơ quan hàng trăm cây số, mỗi khi lên ban phải đi nhờ tàu từ ngày hoặc đêm hôm trước cho kịp giờ. Ai không tiện ga phải thuê trọ ở Hà Nội, phát sinh thêm nhiều chi phí.
“Đã đặt chân lên làm việc trên tàu ai cũng như ai, đều vất vả. Là đàn ông phải phó mặc công việc nhà, con cái cho vợ hoặc nhờ nội, ngoại hai bên. Phụ nữ còn vất vả hơn bội phần, nhất là lúc con còn nhỏ, sau mỗi chuyến tàu họ chỉ được về nhà khoảng 2 đến 3 ngày”, anh Lưu tâm sự.
Tuy vậy, đồng lương của nhân viên đường sắt không cao, những người như anh Lưu, anh Khải, chị An, chị Hải… người ít cũng gần 15 năm, người nhiều cũng đã hơn 20 năm gắn bó với nghề nhưng thu nhập chỉ vỏn vẹn khoảng 7 đến hơn 12 triệu đồng. Đây là mức thu nhập mùa cao điểm, còn khi tàu vắng khách, số chuyến ít đi thu nhập chỉ loanh quanh từ 5 đến 7 triệu đồng.
“Nếu trừ tiền thuê nhà, tiền học cho con, tiền đi lại, sinh hoạt chẳng để ra được bao nhiêu. Lúc ốm đau không ít người phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi”, người Trưởng tàu bộc bạch.
Anh Lưu vừa ngắt lời, tiếng loa nhắc nhở hành khách vang lên, những vị khách cuối cùng bước vội vã để kịp chuyến tàu. Đầu máy phát đi một hồi còi dài, tàu bắt đầu lăn bánh vào Nam. Những người tiếp viên vẫy tay tạm biệt phóng viên qua khung cửa sổ. Với họ, một hành trình mới lại bắt đầu…