Trải qua hơn 400 năm lịch sử, Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng của phố cổ, góp phần làm nên một Hội An xứng tầm Di sản Văn hóa thế giới. Chùa Cầu được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia năm 1990.
Không chỉ vậy, công trình lịch sử này còn được người dân phố Hội xem là kết tinh linh hồn của đất và người Hội An. Đây còn là điểm hẹn quen thuộc của du khách trong và ngoài nước khi đến với phố cổ.
Dù đã qua 7 lần sửa chữa, nhưng trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng.
Để bảo vệ di tích quốc gia, TP Hội An lập hồ sơ tu bổ. Dự án có tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Nam và TP Hội An, do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An quản lý.
Sau một thời gian thi công tu bổ, đến nay đã hoàn thành xong việc hạ giải công trình, gia cố phần móng và chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất của dự án với không ít những khó khăn, vướng mắc nảy sinh cần phải giải quyết.
TP Hội An đã tổ chức khảo sát thực tế và tọa đàm nhằm mục đích tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế đối với từng vấn đề kỹ thuật cụ thể, củng cố các kết quả khảo sát, nghiên cứu, từ đó thống nhất, tạo sự đồng thuận về giải pháp kỹ thuật để tiến hành tu bổ, phục hồi di tích Chùa Cầu đảm bảo theo quan điểm, nguyên tắc trùng tu.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia và nhà nghiên cứu đánh giá cao công tác quy hoạch, khảo sát cũng như phương án tu bổ mà TP Hội An và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đưa ra; đánh giá cao cách ứng xử với di tích về bảo quản, xử lý các phần gỗ hư hỏng, ngói, màu sắc… trong quá trình tu bổ.
Các chuyên gia cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Chùa Cầu.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính – nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia – cho rằng, dự án tu bổ Chùa Cầu là hình mẫu tu bổ kiến trúc gỗ. Lần đầu tiên một công trình di tích được mổ xẻ mở, được trưng bày cho người dân, du khách chiêm ngưỡng công khai quá trình tu bổ.
Ông Hoàng Đạo Kính cũng lưu ý, cần xây dựng hồ sơ khoa học về quá trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thiết kế, hoàn công và các vấn đề phát sinh khi tu bổ. Đây là hồ sơ di tích phi vật thể rất quan trọng, làm căn cứ tư liệu về sau.
Bà Nara Hiromi – Chuyên gia cao cấp, Phòng bảo tồn di sản văn hóa, Vụ Giáo dục, Phủ Kyoto, Nhật Bản – cho rằng không nên thay thế tất cả chất liệu cũ của di tích, nếu chúng còn ở hiện trạng sử dụng tốt thì nên tận dụng, hoặc có thể sử dụng hóa chất để bảo quản lâu hơn.
Bà Nara Hiromi cũng đồng ý nên sử dụng gỗ lim ở những phần chịu lực chính của di tích; quét phần vôi màu đỏ cho phần ngoài của di tích như trước đây.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch TP Hội An – cho biết quá trình trước, trong và sau tu bổ, UBND thành phố và trung tâm bảo tồn luôn tham vấn, lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, tâm huyết với di tích để đảm bảo tính khoa học, chân xác, nguyên tắc trùng tu để việc tu bổ đạt kết quả cao nhất.
“Chùa Cầu là di tích hết sức đặc biệt, do đó, công tác tu bổ di tích này luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân và du khách, của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cũng như bạn bè quốc tế, nhất là các tổ chức và địa phương của Nhật Bản.
Vì vậy, việc trùng tu phải thật kỹ lưỡng, khoa học, chân xác nhất. Dự án tu bổ Chùa Cầu dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2024″, lãnh đạo TP Hội An nói.