Trong bối cảnh nhiều dự án đường sắt sắp triển khai, đặc biệt là đường sắt cao tốc Bắc – Nam dự kiến cần hơn 220.000 người, việc gấp rút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành nhiệm vụ hàng đầu của ngành giao thông vận tải.
Đây cũng là vấn đề được nhiều bạn đọc muốn hoạch định tương lai cho mình cũng rất quan tâm.
Cũng từ việc nắm bắt thời cơ phát triển đường sắt, giữa tháng 10-2024, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã thành lập Viện đường sắt tốc độ cao để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án sắp tới.
Đào tạo 3 loại hình, 4 cấp và 5 chủ thể
Theo ông Vũ Hồng Phương – giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình lập dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
“Để vận hành và khai thác hiệu quả, chúng ta cần phải có một lộ trình đào tạo cụ thể và bài bản. Đội ngũ nhân sự phải được chuẩn bị ngay từ đầu để tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại” – ông Phương khẳng định.
Ông Phương cho biết các tư vấn đã đề xuất ba loại hình đào tạo, bốn cấp trình độ và năm chủ thể tham gia. Các loại hình đào tạo bao gồm: đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài và kết hợp giữa trong và ngoài nước.
Đối với cấp trình độ, hệ thống đào tạo sẽ chia thành bốn cấp: công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ.
Đặc biệt, năm chủ thể tham gia đào tạo gồm cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án (khoảng 700-1.000 nhân sự), đơn vị vận hành khai thác (dự kiến đào tạo 13.800 nhân sự), các cơ sở đào tạo và các viện nghiên cứu.
“Nhà thầu xây dựng, các tổ hợp công nghiệp thi công xây dựng, chế tạo vật tư linh kiện theo kế hoạch, chúng ta có thể tiếp cận công nghệ theo lộ trình cần 220.000 người.
Với quy mô và yêu cầu kỹ thuật phức tạp của dự án, Bộ Giao thông vận tải đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực từ sớm ngay khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư” – ông Phương nói.
Các trường đón đầu xu hướng
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho hay từ năm 2008 trường đã bắt đầu đào tạo ngành đường sắt metro.
Những năm qua, trường đã trực tiếp và cử nhiều đoàn công tác đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu để tìm hiểu về đường sắt tốc độ cao. Đây chính là thời điểm chín muồi nhất để nhà trường bắt đầu đào tạo về đường sắt tốc độ cao.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết Bộ Giao thông vận tải đang định hướng xây dựng và phát triển nhân lực ngành đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực cho đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và kết cấu hạ tầng giao thông.
Riêng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến cần nguồn nhân lực rất lớn.
Để triển khai dự án này, theo ông Tuấn, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực rất quan trọng từ đầu tư, thi công đến vận hành, công việc này cần nhiều thời gian.
Cần phải tập trung đào tạo từ sớm để nâng cao tính chủ động, nhanh chóng đào tạo đội ngũ nhân lực quản trị, vận hành, và áp dụng công nghệ hiện đại, số hóa toàn bộ hệ thống. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các đơn vị đào tạo.
“Để tận dụng tối ưu các lợi thế sẵn có, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia tiên tiến và tiếp thu những bài học thực tiễn từ các dự án tương tự.
Sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng sẽ tạo cơ hội trải nghiệm thực tế, qua đó hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả vào hệ thống giao thông hiện đại của Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoc-va-lam-duong-sat-se-la-nganh-hot-20241105082608391.htm