Không kinh doanh ở địa chỉ đã đăng ký?
Mới đây, nhóm học viên gồm hàng chục người đã lên tiếng tố Trung tâm Anh ngữ và tư vấn du học LeaderTalks (viết tắt LeaderTalks) quảng cáo sai sự thật, thực hiện trái cam kết trong việc giảng dạy khóa học tiếng Anh trực tuyến “English Mastery” (Làm chủ tiếng Anh) và có hành vi thoái thác trách nhiệm dù mức học phí dao động từ 39,95 triệu đồng đến 44 triệu đồng, tùy theo hình thức đóng là một hay nhiều lần.
Bên cạnh bức xúc về chất lượng giảng dạy và cách hành xử của LeaderTalks, các học viên cũng bày tỏ hoài nghi về giấy phép hoạt động của trung tâm này. Theo đó, trên trang web và trong các biên bản ghi nhớ với học viên, LeaderTalks cho biết đây là thương hiệu thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH An Ca, sau này là Công ty CP An Ca (An Ca), đều có địa chỉ tại P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM.
Tuy nhiên, khi đến trụ sở để làm việc trực tiếp, nhiều học viên tá hỏa vì địa chỉ này lại là nhà riêng của người dân và chủ nhà không hề biết đến sự tồn tại của LeaderTalks lẫn An Ca. “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để xác minh làm rõ và bảo vệ quyền lợi của tôi cùng hàng trăm học viên khác đang học tại LeaderTalks”, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (ngụ TP.HCM), đại diện nhóm học viên, bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, xác nhận Trung tâm Anh ngữ và tư vấn du học LeaderTalks chưa được cấp phép hoạt động tại TP.HCM. Đồng thời ông Minh cũng cho hay để biết đâu là đơn vị đã được cấp phép, công dân có thể tra cứu trực tuyến trên Trang thông tin dịch vụ giáo dục của Sở GD-ĐT TP.HCM tại địa chỉ dichvugiaoduc.hcm.edu.vn.
“Ngoài trung tâm ngoại ngữ, các đơn vị đào tạo tin học, kỹ năng sống và những hoạt động giáo dục khác đều phải xin giấy phép hoạt động từ Sở. Với những trường hợp Sở không cấp phép, quyền quản lý nhà nước thuộc về cơ quan quận, huyện mà đơn vị đó đăng ký kinh doanh”, ông Minh thông tin.
Phản hồi về nguyên nhân LeaderTalks không có giấy phép hoạt động tại TP.HCM, bà Đào Thị Hằng, Giám đốc trung tâm, phản hồi với phóng viên Báo Thanh Niên rằng công ty hoạt động ở đâu thì lập chi nhánh ở đó, sau đó mới đăng ký giấy phép hoạt động tại địa phương đặt chi nhánh. Cụ thể, bà Hằng nói chi nhánh An Ca có địa chỉ tại TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã được Sở GD-ĐT Đắk Nông cấp phép hoạt động.
Nữ giám đốc cho biết thêm từ đầu tháng 3, chi nhánh An Ca đã chuyển quyền quản lý LeaderTalks cho Công ty TNHH LeaderTalks, đơn vị có cùng địa chỉ hoạt động với chi nhánh An Ca tại TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Chi nhánh không có quyền xin giấy phép?
Dẫn theo điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 1 điều 44 luật Doanh nghiệp 2020, luật sư Nguyễn Ngọc Phú, Giám đốc Hãng luật NPLaw (TP.HCM), cho biết chi nhánh không có tư cách pháp nhân, hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào công ty và chỉ được kinh doanh ngành nghề có điều kiện khi công ty đã được cấp giấy phép. Như vậy, nghĩa vụ thực hiện thủ tục cấp giấy phép thuộc về công ty, không phải chi nhánh.
“Việc xin giấy phép ngành nghề có điều kiện phải được thực hiện tại cơ quan nhà nước nơi công ty đặt trụ sở chính. Chẳng hạn, nếu công ty có địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ở TP.HCM và muốn thành lập trung tâm ngoại ngữ để hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, thì theo khoản 20 điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP, công ty phải xin giấy phép hoạt động từ Sở GD-ĐT TP.HCM”, ông Phú ví dụ.
Luật sư Ngọc Phú cũng cho hay nhiều doanh nghiệp không chỉ hoạt động tại trụ sở, chi nhánh mà còn kinh doanh trực tuyến và hình thức này đang rất phổ biến. “Khóa học trực tuyến được xem là sản phẩm thương mại điện tử nên ngoài đáp ứng các tiêu chí để được hoạt động giáo dục theo quy định pháp luật, công ty còn phải chú ý các điều kiện, thủ tục về việc kinh doanh trên môi trường mạng”, luật sư Phú chia sẻ.