Sáng 30.1, Trường tiểu học Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã tổ chức chương trình chuyên đề tiếng Anh cấp thành phố với chủ đề “Open House – Dạy và học tiếng Anh lớp 4 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 qua văn hóa Việt Nam”.
Mở đầu chương trình, thầy cô các quận, huyện không khỏi bất ngờ trước khả năng dẫn chương trình song ngữ bởi em Lê Việt Anh và Nguyễn Khánh Hân (cùng học lớp 5/6). Hai học sinh không chỉ nói tiếng Anh lưu loát, phát âm chuẩn mà khả năng dẫn dắt chương trình rất tốt khi tự tin giới thiệu đại biểu, điều phối hoạt động và các tiết mục văn nghệ.
Em Lê Việt Anh và Nguyễn Khánh Hân (cùng học lớp 5/6) tự tin dẫn dắt chương trình bằng tiếng Anh – Nguồn: NGỌC ANH
Là những nhân vật chính của chuyên đề hôm nay, sau phần giới thiệu của hai MC nhí, học sinh lớp 4 và cô Trần Nguyễn Minh Anh, giáo viên của trường, đã tổ chức hoạt động dạy học tiếng Anh ngay ở sân trường, dưới sự chứng kiến của nhiều giáo viên, chuyên viên đến từ các quận, huyện và phụ huynh của trường.
Với chủ đề ngày tết cổ truyền, cô bắt đầu tiết dạy của mình bằng phần giới thiệu văn hóa ngày tết ở Việt Nam, rồi cho học sinh làm quen với từ vựng liên quan đến chủ đề này thông qua video, hình ảnh, âm thanh… Tiết học sau đó được cô, trò khuấy động bởi các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, chơi lô tô, gói bánh chưng, làm mâm ngũ quả…
Trong tất cả hoạt động, cô và trò giao tiếp, sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhiều học sinh tự tin với khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát của mình. Các em cũng được cô dạy thêm những từ mới về chủ đề ngày tết như: make five-fruit trays (làm mâm ngũ quả), pack Chưng Cake (gói bánh chưng), jumping sack race (nhảy bao bố), bamboo string (lạt tre), wooden mold (khuôn gói bánh)…
Trong các trò chơi, cô giáo cũng vừa hát vừa hướng dẫn học sinh chơi lô tô, tính toán giá trị của từng loại quả để “đi chợ” trong số tiền quy định. Học sinh háo hức tham gia trò chơi, cùng nhau gói bánh và nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh.
Chia sẻ về tiết dạy của mình, cô Trần Nguyễn Minh Anh cho biết, với chương trình giáo dục mới giáo viên được chủ động nhiều trong dạy học nên dù trong lớp hay hoạt động ngoài trời cô đều đa dạng hóa hình thức dạy học. Các trò chơi dân gian, game, bài hát, phim ảnh… được giáo viên tận dụng tối đa. Việc dạy học đa dạng hình thức giúp học sinh hứng thú.
“Với cách dạy học này, nhiều học sinh lớp 4, 5 có thể giao tiếp tốt. Trong giờ học, cô trò hoàn toàn sử dụng bằng tiếng Anh cũng là cách để kích thích các em chủ động nói”, cô Minh Anh chia sẻ.
Tham dự tiết dạy chuyên đề, ông Phạm Chí Thiện, chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định chương trình giáo dục đổi mới nên giáo viên rất vất vả. Việc dạy học không còn đơn thuần cô giảng trò nghe mà phải lồng ghép rất nhiều hoạt động, đa dạng hình thức… Giáo viên vì thế cũng phải bỏ nhiều thời gian suy nghĩ, tính toán và chuẩn bị cho tiết dạy của mình.
“Mời phụ huynh tham gia những tiết dạy thế này để họ thấy được sự vất vả của giáo viên. Cô giáo đã mất rất nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện tiết dạy. Trẻ con rất thích học qua những trải nghiệm thực tế, dù trò chơi, tiết dạy có thể chưa thật sự hoàn hảo nhưng chính những hoạt động này sẽ kích thích khả năng nói, tự tin của các em”, ông Thiện nói.
Ông cũng khuyên giáo viên, trong mỗi tiết dạy nên phân định rõ nội dung dạy, ví dụ, trong các hoạt động thì nên để học sinh chủ động, nói nhiều hơn. Giáo viên không nên dành quá nhiều thời gian để sửa phát âm, câu từ hay cô đọc trước trò đọc sau. Thay vào đó, ông khuyến khích để học sinh được nói, nếu sai, các em sẽ nhận ra và biết cách sửa.
“Đừng sửa từng chút một, nếu sửa hãy sửa vào giờ dạy phát âm, từ vựng. Giờ nào việc đó, giờ học nói là phải để các em nói nhiều nhất có thể. Nếu cô nói nhiều quá học sinh sẽ trì trệ, không tự đứng lên được”, ông Thiện nhận định.