“Không học thêm thì sẽ bị thụt lùi so với các bạn”!
Một chia sẻ của học sinh lớp 11 trên diễn đàn có hàng trăm ngàn thành viên, đang thu hút sự quan tâm dư luận khi bày tỏ bản thân bị áp lực về lượng kiến thức quá nhiều, phải đi học thêm gần như hết các ngày trong tuần, không còn thời gian thư giãn hay đi chơi với bạn bè, gia đình… Điều này khiến em bị ám ảnh bởi chuyện học.
Học sinh lớp 11 này đã chia sẻ: “Con sinh năm 2007 và đang học chương trình mới. Con thấy bị áp lực về lượng kiến thức quá nhiều khiến con phải đi học thêm gần như full tuần (cả tuần-PV). Con học thêm 4 môn toán, lý, tiếng Anh, hóa, điều đó khiến con không có thời gian thư giãn hay đi chơi cùng bạn bè và gia đình. Ngày nào con cũng phải đi học thêm, về thì ngồi vào bàn học bài chuẩn bị cho môn ngày mai. Những bài kiểm tra dồn dập khiến con không thể ngủ đủ giấc làm bản thân con luôn cảm thấy áp lực. Mỗi ngày sớm nhất là 23 giờ 30 con mới được đi ngủ và 5 giờ 30 sáng phải dậy soạn (bài-PV) đi học. Bởi thế con luôn thấy ám ảnh và không còn thích thú với việc học tập”.
“Nếu con không học thêm thì sẽ bị thụt lùi so với các bạn. Có thể nào giảm tải số tiết học và những bài kiểm tra được không ạ?”, học sinh lớp 11 chia sẻ trên diễn đàn.
Có phải do chương trình nặng?
Trước những bày tỏ của học sinh, giáo viên Lê Hải Minh, đang dạy lớp 11 một trường THPT tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nêu quan điểm: “Nói khách quan, lượng kiến thức của Chương trình GDPT 2018 không dàn trải, quá tải như trước đây. Tuy nhiên, có thể với học sinh lớp 10, 11 hiện nay, các em đã học, tiếp cận kiến thức theo định hướng từ lớp 1 đến lớp 9 của chương trình GDPT cũ nhưng đột ngột lên đến bậc THPT thì tiếp cận với mục tiêu và định hướng của chương trình mới hoàn toàn”.
Bên cạnh đó, theo giáo viên Hải Minh, một bộ phận thầy cô cũng chưa thực sự đổi mới phương pháp, hướng dẫn học sinh học theo cách tiếp cận của chương trình mới nên các em có những áp lực là điều không tránh khỏi.
Giáo viên Hải Minh phân tích, áp lực học tập là vấn đề muôn thuở. Riêng Chương trình GDPT 2018 có mục đích trang bị kiến thức và kỹ năng nên đòi hỏi khả năng tự học, tự nghiên cứu rất lớn từ phía học sinh. Tuy nhiên, học sinh vẫn còn bị hạn chế và có thói quen từ cách học cũ, chờ đợi giáo viên cho hướng dẫn, dàn ý, đề cương ôn thi, ôn tập, học thuộc kiến thức nên sẽ gặp khó khi hoàn thành các nhiệm vụ học tập, giải quyết các vấn đề về áp dụng kiến thức vào những yêu cầu cụ thể.
Cũng xác nhận học sinh bậc THPT đang gặp áp lực, giáo viên Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), đánh giá chương trình lớp 11 là nặng nhất trong 3 khối lớp, ngay cả với chương trình GDPT cũ. Đặc trưng kiến thức ở khối lớp như vậy cộng với cách tiếp cận kiến thức khác theo chương trình cũ khiến học sinh gặp nhiều áp lực trong việc học, nếu không có tâm thế chủ động và tự học cao.
Bên cạnh đó, giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) chỉ ra rằng, tình trạng học sinh gặp áp lực học tập xuất phát từ thực tế có những giáo viên vẫn “ham” kiến thức, lo lắng, “không biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với lứa học sinh này như thế nào, đề thi ra sao?” nên có tâm lý cứ chuẩn bị cho chắc. Có những giáo viên lấy bài tập của chương trình cũ áp vào chương trình mới, khiến thầy cô cũng mệt mà học sinh thì áp lực.
Vì thế, giáo viên Lâm Vũ Công Chính cho rằng cần có sự thay đổi đồng bộ, từ thầy cô lẫn học sinh. Giáo viên điều chỉnh cách dạy, còn học sinh ý thức việc tự học, tự tìm hiểu trước các chuyên đề kiến thức để việc học sẽ dần trở nên nhẹ nhàng hơn.