Hoạt động do Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức tổ chức ngày 30-3 tại Trường THCS Trần Quốc Toản 1.
Vừa học vừa chơi
Tại ngày hội, học sinh đã lần lượt trải nghiệm những trò chơi, thử thách khoa học… ở 28 gian hàng. Mỗi lần chinh phục được một thử thách khoa học, học sinh sẽ được đóng dấu chứng nhận.
Trong đó, khu vực trải nghiệm “bàn tay lửa” thu hút rất đông học sinh.
“Em rất tò mò với trò chơi này. Nhưng khi hiểu được đây là trò chơi áp dụng tính chất hóa học và thấy các bạn chơi nhưng vẫn an toàn nên em cũng thử sức” – Duy Khang, học sinh Trường THCS Phước Bình, cho biết.
Ngoài ra, các học sinh đặc biệt thích thú với các trải nghiệm về robot và khu vực trình diễn thực tế ảo.
Phước Tài, học sinh Trường THCS Long Phước, cho biết: “Em đã chơi hết các trò chơi tại ngày hội và thấy thật thú vị. STEM rất gần gũi, thiết thực với đời sống chứ không quá xa lạ. Em mong mình sẽ được học, được tìm hiểu, được thực hành sáng tạo với STEM nhiều hơn”.
Giáo viên học cách “ứng dụng trí tuệ nhân tạo”
Trong khi các học sinh say mê trải nghiệm, trong hội trường hơn 200 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên của TP Thủ Đức đã tham gia hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Trung, phó tổng giám đốc KDI Education, chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định đến lớp 12 sẽ dạy về AI cho học sinh. Nhưng tôi cho rằng nội dung giáo dục AI có thể triển khai từ cấp tiểu học chứ không cần chờ đến cấp THPT. Học sinh tiểu học có thể học về lập trình đơn giản, ảnh hưởng của AI trong đời sống cùng những vấn đề liên quan…”.
Theo ông Trung, học sinh bậc phổ thông cần được học về lập trình, thuật toán, kỹ năng dữ liệu, các vấn đề đạo đức của AI, các hệ quả xã hội tạo ra bởi AI, ứng dụng AI vào các lĩnh vực trong cuộc sống; hiểu và sử dụng – phát triển các kỹ thuật về AI, công nghệ về AI và sản phẩm với AI…
Ông Trung cho rằng chính người giáo viên cũng cần được tập huấn về AI, bao gồm các nội dung như tổng quan về trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, cách tạo tài khoản và dùng ChatGPT hiệu quả, các hạn chế của ChatGPT và lưu ý học sinh khi sử dụng ChatGPT, cách sử dụng các thư viện có sẵn cho hoạt động lập trình có ứng dụng AI…
Tại buổi hội thảo, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên cũng thừa nhận ứng dụng AI trong giáo dục cần thiết. Tuy nhiên, còn băn khoăn vì chưa có giáo trình dạy AI cũng như chưa có quy định về việc đánh giá học sinh…
Trải nghiệm để khơi nguồn sáng tạo
“Ngày hội giáo dục STEM nhằm mang lại cơ hội cho đội ngũ giáo viên và học sinh được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục STEM. Các thầy cô giáo không chỉ tiếp cận với công nghệ giáo dục STEM hiện đại mà còn có điều kiện tiếp xúc với các chuyên gia để tìm hiểu về sự phát triển của công nghệ trong giáo dục, đặc biệt là AI.
Năm học 2023 – 2024, TP Thủ Đức vừa tròn 3 năm thành lập và tiếp tục khẳng định STEM là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục của TP Thủ Đức.
Sau ngày hội này, TP Thủ Đức sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ giáo viên giảng dạy STEM, ứng dụng AI vào công tác dạy học, thí điểm tổ chức lớp đào tạo tài năng AI cho học sinh…
Hy vọng trong ngày hội STEM của năm sau, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng các sản phẩm khoa học kỹ thuật do chính học sinh Thủ Đức thực hiện” – ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức, nói.