Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học sinh bị cận thị gia tăng

Kết quả giám sát công tác y tế học đường của đoàn kiểm tra liên ngành y tế và giáo dục tại các trường học trên địa bàn Đồng Nai gần đây cho thấy, tỷ lệ học sinh mắc các tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị, ngày càng tăng. Ở nhiều trường, có đến 40-50% học sinh bị cận thị.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai19/04/2025

Nhiều học sinh của một trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Biên Hòa bị cận thị. Ảnh: A.Yên
Nhiều học sinh của một trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Biên Hòa bị cận thị. Ảnh: A.Yên

TS-BS Đặng Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội - Đồng Nai, cho biết dấu hiệu sớm của cận thị là trẻ hay nheo mắt để nhìn những vật ở xa, thường đi đến sát tivi để xem, nhìn vật gì cũng có xu hướng đưa sát lại gần mắt. Nếu cận thị nặng hơn một chút, trẻ sẽ không nhìn rõ ở khoảng cách xa nữa, không nhìn rõ chữ trên bảng, hay bị mỏi mắt, nhức mắt. Thực tế tại Bệnh viện Mắt Hà Nội - Đồng Nai cho thấy, có rất nhiều trẻ nhỏ khi đi khám thị lực chỉ còn 1/10 và độ cận đã là 3-4 đi ốp.

Cận thị do rất nhiều nguyên nhân gây ra, phối hợp với nhau, cả nguyên nhân do yếu tố gen di truyền và các yếu tố do môi trường sống. Một trẻ có cha hoặc mẹ bị cận thị có nguy cơ mắc bệnh cận thị cao gấp 3 lần và nguy cơ này tăng gấp 6 lần nếu cả cha và mẹ đều bị cận thị. Tuy nhiên, nhiều trẻ em có cha mẹ có thị lực hoàn toàn tốt vẫn có thể bị cận thị.

Ngoài ra, khi trẻ nhìn gần (trong vòng 1m) quá nhiều cũng có thể góp phần phát triển cận thị. Chẳng hạn như trẻ ngồi đọc sách, làm bài tập sai tư thế, cúi sát mắt xuống sách vở, sử dụng máy tính, điện thoại, xem tivi ở cự ly gần.

Cũng có nghiên cứu cho thấy, những trẻ dành quá ít thời gian ở ngoài trời có nhiều khả năng bị cận thị. Trẻ em nên dành trung bình 1,5 giờ/ngày để tham gia bất kỳ hoạt động ngoài trời nào, như đi bộ, chơi thể thao.

Những nghiên cứu về nhãn khoa mới trong vòng 10 năm qua đã phát hiện ra rằng, mặc dù kính thông thường điều chỉnh thị lực nhưng chúng không giúp ngăn ngừa tiến triển cận thị, mà thậm chí có thể góp phần làm tiến triển cận thị. Điều này là do khi đeo kính thông thường, hình ảnh của mọi vật được điều chỉnh chính xác ở hoàng điểm, tức là vùng võng mạc ở chính giữa trung tâm trục thị giác, nhưng do cấu tạo của các thành phần hội tụ không đều nhau nên vùng võng mạc chu biên lại nhận được hình ảnh mờ nhòe do không đủ lực hội tụ, dẫn đến kích thích con mắt dài ra, làm cận thị ngày càng tăng độ.

Do vậy, mục tiêu quan trọng của điều trị cận thị là kiểm soát sự dài ra của trục nhãn cầu. Hiện nay, có một số phương pháp đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh như: phương pháp Ortho-K, tra Atropin liều thấp, đeo các tròng kính đặc biệt với các thấu kính nhỏ vùng cận trung tâm có hiệu quả cao trong việc kiểm soát cận thị tăng độ. Ngoài ra, chế độ sinh hoạt cần điều chỉnh cho phù hợp, tăng thời gian ngoài trời từ 30 phút đến 1 giờ/ngày, giảm bớt thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử như: điện thoại, iPad, máy vi tính, tivi.    

            An Yên

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202504/hoc-sinh-bi-can-thi-gia-tang-4b94295/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm