Hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GS, PB XH) đã góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận, tạo thêm “cầu nối” và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ngày 19/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 18 – CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư và Thông tri số 24-TT/TU ngày 19/05/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đánh giá, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận các cấp ở thành phố luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Từ đó chất lượng được nâng lên.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, hệ thống Mặt trận thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát, xác định có trọng tâm nội dung và đối tượng giám sát. Nhờ vậy, nhân dân ngày càng tham gia tích cực hơn việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trong khi đó, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đạt được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Nguyễn Hồng Quang, Trưởng ban Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, thực hiện các chủ trương trên, thời gian qua, Mặt trận thành phố đã triển khai giám sát 10 nội dung đối với 36 tổ chức và 3 cá nhân. Các chủ thể thực hiện giám sát đã chủ động phối hợp thông tin công khai để nhân dân biết và tiếp tục giám sát chương trình, kế hoạch khắc phục.
Đối với hoạt động phản biện xã hội, Mặt trận thành phố đã chủ trì tổ chức được 7 nội dung. Qua đó, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các vị nhân sĩ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, thành viên các tổ tư vấn của Mặt trận thành phố và Mặt trận các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Các kiến nghị sau phản biện được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu.
Để công tác giám sát, phản biện xã hội được hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới các văn bản nhằm thể chế hóa kịp thời quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
Đồng thời, bà Thúy cũng mong muốn các quy định cần nêu rõ hơn trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội hoặc lợi dụng quyền giám sát, phản biện xã hội để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân.
“Hệ thống Mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ cơ sở, khách quan; chú trọng vào những chủ trương, chính sách lớn, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc…”, bà Thúy nhấn mạnh.
Nguồn: https://daidoanket.vn/hoat-dong-giam-sat-nang-cao-vai-tro-cua-mat-tran-10296833.html