Mới đây, tại khu Di sản Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra Lễ dâng hương, khai Xuân tưởng nhớ các bậc tiên đế, các bậc anh minh hiền tài có công với nước.
Chủ tế (áo đỏ) tiến hành nghi thức dâng hương trước thềm Điện Kính Thiên – Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long. (Nguồn: Dân trí) |
Ngày 18/2 (mùng 9 tháng Giêng), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội tổ chức Lễ dâng hương, khai Xuân Giáp Thìn 2024 tại Điện Kính Thiên – Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.
Đây là nghi lễ Tết tiêu biểu của cung đình xưa nằm trong chuỗi hoạt động Tết Việt chào Xuân Giáp Thìn 2024 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tái hiện.
Lễ dâng hương, khai Xuân là nghi thức được tổ chức thường niên tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, với ý nghĩa hướng về cội nguồn tiên tổ, tri ân công đức các bậc tiên đế, các đức vua anh minh, các bậc hiền tài có công với nước, đồng thời tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long – Hà Nội.
Chương trình dâng hương, khai Xuân được tổ chức trang trọng cùng với nhiều nghi thức được tái hiện theo đúng truyền thống trong cung đình Thăng Long xưa như: Lễ dâng hương, lễ khai ấn, tế lễ, lễ rước, biểu diễn trống hội và múa Rồng. Lần lượt các đội tế nam và tế nữ làm lễ tế thành kính dâng Thánh.
Các nghi thức của 1 đội tế lễ diễn ra trong hơn 30 phút. (Nguồn: Dân trí) |
Tại Hoàng thành Thăng Long còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian với sự tham gia của đội Rồng làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì); đội trống hội Đình Hạ Yên Quyết (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), đội trống hội Đông Anh, đội Tế nam Hoàng Mai, đội Tế nam đền Lảnh Giang Vọng Từ (Hoàn Kiếm), đội dâng hương nữ đình, đền Sở Thượng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) cùng hội viên các Chi hội thuộc Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Màn múa Rồng mở màn chương trình. (Nguồn: Dân trí) |
Chương trình mở màn bằng màn múa Rồng của các nghệ nhân làng Triều Khúc, tái hiện hình ảnh con Rồng cháu Tiên, với mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nêu cao tinh thần thượng võ và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Tiếp đến là màn biểu diễn trống hội Thăng Long của các nghệ nhân làng Hạ Yên Quyết, thể hiện khí phách hào hùng của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Sau đó là lễ dâng hương của các đại biểu tại Điện Kính Thiên và nghi thức khai ấn bên trong Điện Kính Thiên.
Màn trống hội Thăng Long. (Nguồn: Dân trí) |
Phần tế lễ diễn ra với đoàn rước từ Đoan Môn vào sân Điện Kính Thiên, biểu diễn trống hội và múa Rồng, hành lễ tế nam quan (dâng chúc văn lễ dâng hương), dâng hương nữ và lễ dâng hương của các đoàn.
Cũng nhân dịp này, Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long đã sắp đặt nhiều không gian hoa xuân, tiểu cảnh… để phục vụ khách tham quan.
Lễ dâng hương, khai xuân tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm tại Hoàng thành Thăng Long. (Nguồn: Dân trí) |
Được biết, chỉ trong 7 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long đã đón 60 nghìn lượt khách tham quan.
Năm nay, Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long phấn đấu đón 1 triệu khách và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhất của Thủ đô Hà Nội cho du khách trong và ngoài nước.