Sáng ngày 24/11, Hội thảo Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh đã diễn ra trong bối cảnh chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh có những bước tăng trưởng rõ rệt, các giao dịch trên thị trường ngày càng sôi động, đa dạng.
Tuy nhiên, do thị trường còn mới nên đã có những hạn chế, rào cản, từ đó đặt ra thách thức cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của loại chứng khoán này.
Tiềm ẩn rủi ro phát triển không bền vững
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, thị trường chứng khoán ở Việt Nam đi vào hoạt động từ đầu những năm 2000, đã trải qua nhiều bước tiến đáng kể, trong đó có thể kể đến sự hình thành các thị trường chứng khoán chuyên biệt như thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và tiếp đó là thị trường chứng khoán phái sinh.
Thị trường phái sinh đi vào hoạt động với phiên giao dịch đầu tiên là sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là sự kiện quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 42 trên thế giới có thị trường chứng khoán phái sinh.
Sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh nhằm hình thành đầy đủ các bộ phận thị trường chứng khoán. Đồng thời, tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro đối với nhà đầu tư và là tiền đề thuận lợi cho quá trình huy động và khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Các văn bản pháp luật về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh được ban hành nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của thị trường này đồng thời ghi nhận ở mức độ cao hơn tại Luật Chứng khoán 2019.
Dù vậy, thực tiễn cho thấy, do TTCK ở Việt Nam còn mới, hàng hoá và mức độ sôi động của giao dịch trên thị trường còn giới hạn. Do đó, việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, tính tới những vấn đề kinh tế pháp lý trên phạm vi thị trường toàn cầu là cần thiết, xét cả góc độ hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán phái sinh và sự phát triển bền vững thị trường chứng khoán.
Đồng quan điểm, TS. Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận thấy bên cạnh những thành tựu, TTCK phái sinh còn tồn đọng nhiều hạn chế như: Sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm chưa thành công về mặt thanh khoản; Hoạt động của TTCK phái sinh nói chung và sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nói riêng còn hạn chế về sự tham gia của các nhà đầu tư.
Điều này cho thấy tăng trưởng của thị trường tiềm ẩn rủi ro phát triển không bền vững. Bên cạnh đó, sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng, chỉ có 2 sản phẩm là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 và 10 năm.
Trong đó, các Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ chưa thành công, thanh khoản thấp và thậm chí không thanh khoản. Vì vậy, nhà đầu tư tập trung vào giao dịch một sản phẩm là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 khiến giao dịch sản phẩm có nhiều biến động bất thường thời gian qua, đặc biệt là vào các phiên đáo hạn. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết có thêm các sản phẩm phái sinh khác trên chỉ số.
“Có thể nói, TTCK phái sinh là một thị trường mới, phức tạp. Đến nay, trải qua 6 năm hình thành và phát triển, TTCK phái sinh đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng cũng phát sinh những hạn chế, tồn tại. Tuy nhiên, nhìn trên tổng diện thị trường, có thể nói việc vận hành TTCK phái sinh là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, Chính phủ. TTCK phái sinh đã và đang phát triển theo lộ trình từ thấp đến cao, theo đúng định hướng của Chính phủ đề ra” – TS Bình nhìn nhận.
Cơ sở để hình thành khung pháp lý
Theo TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Luật Hà Nội, sự xuất hiện của chứng khoán phái sinh được coi là điều tất yếu của quá trình phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, giống như thị trường chứng khoán nói chung, thị trường chứng khoán phái sinh cần dựa trên hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ và phù hợp với thực tiễn để tồn tại, hoạt động hiệu quả.
TS. Nguyễn Minh Hằng cho rằng, điều này xuất phát từ một số lý do cơ bản, xuất phát từ tầm quan trọng của TTCK phái sinh và mối quan hệ giữa TTCK phái sinh với TTCK cơ sở.
Một mặt, TTCK phái sinh có liên quan đến giảm độ biến động thị trường cơ sở, hỗ trợ cho giả thuyết ổn định thị trường cơ sở. Mặt khác, một bộ phận kết quả nghiên cứu lại chỉ ra rằng, giao dịch chứng khoán phái sinh dẫn đến tăng độ biến động thị trường cơ sở.
Bên cạnh đó, TTCK phái sinh ảnh hưởng đến thanh khoản của TTCK cơ sở. Tính thanh khoản vốn là đặc điểm quan trọng cho chất lượng của TTCK cơ sở. Do vậy, khi xuất hiện sản phẩm tài chính mới có liên quan đến tài sản cơ sở.
Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định, TTCK phái sinh Việt Nam được đánh giá đã tăng trưởng ổn định, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường. Tuy nhiên, hàng hoá trên thị trường còn chưa phong phú, dẫn đến chưa phát huy tối ưu vai trò phòng vệ rủi ro cũng như gia tăng kênh đầu tư cho các nhà đầu tư.
Sau 23 năm TTCK của Việt Nam phát triển vẫn được coi là thị trường chứng khoán non trẻ, dễ chịu ảnh hưởng khi có các tác động tiêu cực của nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế thế giới. Do TTCK phái sinh tại Việt Nam mới ra đời, trong khi tính chất đầu cơ và rủi ro trên TTCK phái sinh khá cao, nên việc cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh để có thể dung hoà các mối quan hệ trên là vô cùng cần thiết.
Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới, bà Hằng cho rằng, khung pháp lý sẽ là nền tảng để thiết lập một thị trường phái sinh tập trung, đa dạng, quy mô lớn hơn. Với sự quản lý của nhà nước sẽ khiến thị trường hoạt động một cách minh bạch, hiệu quả và công bằng.