Phia Oắc (hay Phja Oắc theo cách gọi của người địa phương) nằm trong hệ thống công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 4/2018. Phia Oắc cao 1.931m, là đỉnh núi cao thứ 2 ở Cao Bằng, được ví như “nóc nhà” phía Tây của tỉnh.
Sự đa dạng về địa hình, địa chất cùng với điều kiện khí hậu đặc trưng đã tạo nên các hệ sinh thái đặc thù của vùng núi này.
Các thảm thực vật đa dạng thay đổi theo độ cao từ dưới chân lên đỉnh núi, đặc biệt là điểm nhấn hệ sinh thái rừng lùn, “rừng rêu” bám dày vào những thân cây cổ thụ.
Càng lên cao, sơn kì thủy tú càng trải ra vút tầm mắt. Từ trên đỉnh Phia Oắc, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy thấp thoáng nếp nhà của người Dao, Nùng, Tày. Xa xa, dòng sông Quang Thành uốn khúc như dang tay ôm lấy đất trời biên cương.
Vào mùa đông, thiên nhiên kì thú được nhắc đến trên vùng núi Phia Oắc chính là thời điểm xuất hiện băng giá do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh phương Bắc. Băng giá ảnh hưởng đến đời sống của người vùng cao, nhưng nhìn từ mặt tích cực, hiện tượng này đem lại điểm nhấn cho ngành du lịch.
Nhiều du khách liên tục cập nhật thời tiết để mong một lần được trải nghiệm băng tuyết ở xứ sở nhiệt đới. “Băng” hình thành trên Phia Oắc ở độ cao khoảng 1.400m trở lên, còn dưới độ cao này trời rét buốt, mưa phùn. Ngoài băng giá, khu vực còn được bao phủ bởi sương mù dày đặc.
Cung đường hơn 60km từ thành phố Cao Bằng qua đèo dốc đến chân núi trong màn sương phủ dày lúc rạng sáng cũng là trải nghiệm khó quên. Trong hành trình khám phá, anh choáng ngợp vỡ òa cảm xúc khi lần đầu tiên nhìn thấy các cánh rừng phủ đầy băng, các cành cây, ngọn cỏ như được khoác lớp áo băng với nhiều hình thù, hình dạng khác nhau.
Các lớp băng giá như nước đá bám dày khoảng 1 – 2cm vào vật thể, đặc biệt là “hoa băng” – băng phủ lớp mỏng quanh các bông hoa như điểm tô sắc màu cho khung cảnh mùa đông trắng xóa thật đẹp, lãng mạn. Cảnh vật ngay Việt Nam mà cứ ngỡ mùa đông ở phương Tây.
Tạp chí Heritage