Các nhà thiên văn học phát hiện hố đen lâu đời nhất từ trước đến nay, cách đây hơn 13 tỉ năm, có nghĩa là vào thời bình minh của vũ trụ.
Kết quả quan sát do kính James Webb thực hiện cho thấy hố đen nằm ở trung tâm một thiên hà tên GN-z11, cách sự kiện Big Bang khai sinh vũ trụ khoảng 440 triệu năm.
Có khối lượng gấp khoảng 1 lần mặt trời, hố đen gây ngạc nhiên vì trọng lượng của nó quá lớn nếu so với một hố đen non trẻ. Các nhà thiên văn học đặt câu hỏi tại sao hố đen này có thể phát triển nhanh chóng đến thế trong một thời gian ngắn.
Giáo sư Roberto Maiolino, nhà vật lý thiên thể của Đại học Cambridge (Anh), cho hay “điều gây ngạc nhiên là nó có kích thước quá sức khổng lồ. Đó là phát hiện không lường trước được”.
Được công bố trên website Arxiv, các quan sát của kính James Webb không cho kết quả là một hình ảnh trực tiếp. Lý do là hố đen là đối tượng vô hình và không ánh sáng nào có thể thoát khỏi nó.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học nhận ra những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của hố đen, chẳng hạn như đĩa bồi tụ, quầng khí và bụi cuồn cuộn xung quanh “hố sụt” khổng lồ của vũ trụ.
Các chuyên gia cho rằng những hố đen đầu tiên của vũ trụ có thể giúp hóa giải thắc mắc lâu nay về những “gã khổng lồ” ở trung tâm các thiên hà, chẳng hạn như Dải Ngân hà, với khối lượng gấp hàng tỉ so với mặt trời.
Cho đến gần đây, giới khoa học cho rằng các hố đen lớn mạnh theo tần suất ổn định, thông qua việc nuốt chửng các ngôi sao và những vật thể khác. Họ ước tính các hố đen mất khoảng 14 tỉ năm để phát triển thành siêu hố đen.
Thế nhưng, những quan sát mới nhất về thiên hà GN-z11 cho thấy có lẽ những siêu hố đen vào thời điểm được sinh ra vốn dĩ đã khổng lồ, hoặc phải nhanh chóng phát triển đặc biệt nhanh ngay sau thời điểm hình thành.