Nhờ kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà thiên văn học đã hoàn thành cuộc khảo sát toàn diện nhất từ trước tới nay về thiên hà Tiên Nữ, láng giềng của Dải Ngân hà, và tạo ra bức ảnh 417-megapixel ghép từ hơn 600 tấm ảnh được chụp trong hơn 10 năm.
Bức ảnh toàn cảnh lớn nhất về thiên hà Tiên Nữ hiển thị khoảng 200 triệu ngôi sao và trải dài trên độ phân giải 2,5 tỉ pixel, theo trang science.nasa.gov.
Sau khi kính Hubble được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Không châu Âu (ESA) hợp tác phóng lên quỹ đạo thấp của trái đất, các nhà thiên văn học đã kiểm đếm được hơn 1 nghìn tỉ thiên hà trong vũ trụ.
Tuy nhiên, chỉ có một thiên hà nổi bật và quan trọng nhất trong số đó: láng giềng của Dải Ngân hà là thiên hà Tiên Nữ (Messier 31).
Trả đúng tên cho thiên hà Tiên Nữ
Cách đây một thế kỷ, nhà thiên văn học người Mỹ Edwin Hubble là người đầu tiên cho rằng cái gọi là “tinh vân xoắn ốc”, nhận dạng lúc đó của thiên hà Tiên Nữ, trên thực tế ở cách xa Dải Ngân hà đến 2,5 triệu năm ánh sáng.
Trước đó, giới thiên văn học từ lâu cho rằng Dải Ngân hà tràn khắp vũ trụ. Vì thế, chỉ sau một đêm, phát hiện của ông Hubble đảo ngược hoàn toàn hiểu biết của nhân loại khi phơi bày một thực tế rằng vũ trụ vô cùng to lớn.
Và Tiên Nữ chính thức được xác định là thiên hà chứ không phải là tinh vân, với hơn 1 nghìn tỉ ngôi sao.
Những người yêu thiên văn có thể dùng mắt thường quan sát thiên hà Tiên Nữ trong những đêm mùa thu trời trong, lộ diện dưới hình dạng của một vật thể hình điếu xì gà trên bầu trời đêm.
Tầm quan trọng của thiên hà Tiên Nữ
Một thế kỷ sau, kính viễn vọng mang tên ông đã đạt được thành tựu chưa từng có khi hoàn thành cuộc khảo sát toàn diện nhất về thiên hà láng giềng. Khám phá mới mang đến manh mối về lịch sử tiến hóa của thiên hà Tiên Nữ, vốn hoàn toàn khác với lịch sử của Dải Ngân hà.
“Sự quan sát chi tiết về những ngôi sao đã được phân giải sẽ cho phép con người xâu chuỗi lại các cuộc sáp nhập trong quá khứ và lịch sử tương tác của thiên hà”, theo nhà điều tra chính của báo cáo Ben Williams thuộc Đại học Washington (Mỹ).
Nếu không có thiên hà Tiên Nữ đóng vai trò tham chiếu cho các thiên hà xoắn ốc của vũ trụ, các nhà thiên văn họa sẽ ít hiểu biết hơn về cấu trúc và quá trình tiến hóa của Dải Ngân hà. Lý do là con người nằm bên trong thiên hà của chúng ta.
Theo dự đoán, trong khoảng 4-5 tỉ năm nữa, Dải Ngân hà và thiên hà Tiên Nữ sẽ tiến hành việc sáp nhập với nhau.
Nguồn: https://thanhnien.vn/kham-pha-lich-su-bi-an-cua-thien-ha-tien-nu-lang-gieng-185250117102146049.htm