Đó là một niềm tin mạnh mẽ. Bởi nếu không mạnh mẽ, người ta không dám và không thể làm như thế.
Khi “80% người Việt Nam muốn tôi từ chức” như cách thể hiện mới đây của chính ông, niềm tin đó vẫn không lung lay. Bằng chứng: đội hình ra quân trong trận gặp Nhật Bản vẫn gồm phần lớn những nhân tố trẻ. Chỉ có thêm một cựu binh: Hùng Dũng, nhưng bù lại một cựu binh khác không được đăng ký thi đấu: Văn Toàn – tất cả là do yêu cầu chiến thuật cụ thể trong một trận đánh cụ thể.
Niềm tin vào mình, khi được duy trì ở mức độ thái quá, và thực tế sân bãi không hiệu quả, sẽ rơi vào trạng thái bảo thủ, thậm chí điên rồ. Nhưng niềm tin duy lý, được thể hiện ở kết quả của những cuộc cách mạng lại trở thành nguồn năng lượng bên trong dồi dào, là chìa khóa của thành công.
Đời cầm quân của mình, không phải không có lúc Philippe Troussier rơi vào trường hợp 1, đấy là khi ông cầm đội tuyển Qatar, hay cầm một vài CLB ở Trung Quốc, và mâu thuẫn trầm trọng với truyền thông. Và đấy cũng là những lần cầm quân chóng vánh của ông. Nhưng đời cầm quân kéo dài hàng chục năm ấy, trường hợp 2 diễn ra nhiều hơn, mà đỉnh cao là quãng 5 năm ông cầm các đội tuyển Nhật Bản (ở cấp độ quốc gia).
Riêng trong trận đội tuyển Việt Nam gặp Nhật Bản, trường hợp thứ hai đã xảy ra. Mặc dù đội bóng của ông thua, nhưng thua với 41% thời gian cầm bóng và 2 bàn thắng vào lưới ứng cử viên vô địch số 1 của giải đấu thì quá ấn tượng.
Quan trọng hơn, từ niềm tin vào mình, HLV Philippe Troussier đã truyền niềm tin vào những đôi chân tuổi 20 (tuổi 20, chứ không phải 20 tuổi). Tuấn Tài đấy, Minh Trọng đấy, Thái Sơn đấy, Đình Bắc đấy, Tiến Anh đây… Thú thật, cho đến trước khi Philippe Troussier dùng họ, nhiều người Việt Nam chưa nhớ tên họ, trong đó có tôi.
Nhìn Thái Sơn quét tuyến giữa, nhìn Đình Bắc cầm quả bóng, dí thẳng vào những đôi chân Nhật Bản, tôi không tin họ là những chàng trai 20 đang đá với đội bóng hạng 17 thế giới. Và đặc biệt là khi Đình Bắc bay người đánh đầu phá lưới Nhật – một bàn thắng thần sầu thì tôi đã phải thốt lên: tuổi 20 của Bắc đẹp quá – đẹp như một giấc mơ!
Nhớ lại trận Việt Nam – Philippines, khi được tung vào sân, đôi chân Đình Bắc còn ngượng nghịu lắm, thế mà vài tuần sau mọi chuyện đã khác rồi! Từ niềm tin trong trái tim Troussier đến niềm tin trong đôi chân Đình Bắc, tôi nhìn thấy một sự dẫn truyền năng lượng từ một người đàn ông 70 tuổi tới một cậu bé chỉ ở tuổi con cháu mình.
Bóng đá cũng như cuộc đời, không dễ tạo ra một sự dẫn truyền xuyên thế hệ vậy đâu!
Hãy nhìn cái cách Troussier phản ứng sau khi Việt Nam bất ngờ dẫn Nhật 2-1: chỉ lặng lẽ đứng nhìn. Phải đến khi trợ lý số 1 chạy lại, ông chầm lấy mình ông mới nhoẻn miệng cười nhẹ, một nụ cười rất Pháp. Với cá nhân tôi, sự bình tĩnh Âu châu ấy là sự bình tĩnh của một người rất hiểu đời. Ta đang dẫn 2-1 đấy, nhưng ta đang đá với Nhật, và trận đấu mới chỉ trôi qua 1/3 thời gian. Không ai biết trước 2/3 thời gian còn lại, điều gì sẽ xảy ra. Và nhìn rộng hơn: hôm nay ta có thể tạo bất ngờ trước Nhật – một bất ngờ tích cực thì ngay trận sau thôi ta cũng có thể tạo bất ngờ trước Indonesia – một bất ngờ không tích cực thì sao? Với người trẻ, mọi sự thất thường điều có thể xảy ra, đặc biệt là khi mọi thứ vẫn chỉ ở giai đoạn bắt đầu.
Tập hợp của những sự thất thường ở giai đoạn bắt đầu mới dần dần tạo nên đẳng cấp ở giai đoạn tiếp sau. Mấy chục năm cầm quân, HLV Troussier quá hiểu điều đó, và biết phải trải nghiệm điều đó bằng những tâm thế nào.
Dẫu sao thì niềm tin của Troussier trong trận ra quân giải châu Á năm nay cũng đã phát sáng. Đấy là một sự phát sáng rất quan trọng, vì nó sẽ giúp các cầu thủ hưng phấn hơn trong những trận đánh tới đây.
Tôi tôn trọng ông, với một niềm tin mãnh liệt ở trong ông – một kiểu niềm tin đặc biệt, không thay đổi qua mấy chục năm hành nghề. Đấy thực sự là một kiểu “niềm tin cuộc đời”, và trong không ít trường hợp ông luôn sẵn sàng đánh bạc, sẵn sàng chấp nhận thất bại với niềm tin ấy.
Sống một kiếp người như thế đáng lắm!