Asian Cup 2023 đã ở rất gần đội tuyển Việt Nam, khi trận ra quân chỉ còn cách thầy trò HLV Philippe Troussier 5 ngày. Bên cạnh gấp rút rèn thể lực, uốn nắn kỹ thuật và lên đấu pháp cho từng trận đấu, chiến lược gia người Pháp còn cần hoàn thiện lối chơi.
Đội tuyển Việt Nam đang dần định hình triết lý cầm bóng tự tin, ban bật và đan lát để triển khai tấn công. Tuy nhiên, điều dễ thấy là dù kiểm soát bóng tốt hơn, nhưng đội bóng của ông Troussier đang thiếu những phương án ghi bàn.
Khó khăn càng chồng chất khi trung phong số 1 Nguyễn Tiến Linh vắng mặt. 6 chân sút còn lại của đội như Tuấn Hải, Văn Toàn, Đình Bắc, Văn Trường, Văn Tùng và Vĩ Hào mới ghi tổng cộng… 4 bàn cho đội tuyển quốc gia dưới thời ông Troussier.
HLV Troussier biểu cảm đầy cảm xúc, gần gũi trong buổi chụp hình, quay video của ĐT Việt Nam với BTC Asian Cup 2023 – video: VFF
Nói về ý tưởng muốn xây dựng cho đội tuyển Việt Nam, HLV Troussier khẳng định: “Tôi muốn cầu thủ khi vào sân, họ phải chủ động trong cách tiếp cận, không bị động trong mọi hoàn cảnh. Bị động ở đây là chờ đối thủ sai lầm, hay dựa vào cá nhân xuất thần, hay chờ đá phạt cố định hoặc các kiểu tình huống tương tự để ghi bàn”.
Đây là quan điểm từng được HLV Troussier nhấn mạnh nhiều lần khi huấn luyện đội tuyển quốc gia lẫn U.23. Ông mong muốn học trò ghi bàn từ những tình huống “mở”, tức là dàn xếp tấn công bóng sống với ý đồ chiến thuật rõ ràng.
Tuy nhiên trong bóng đá, nhất là ở các sân chơi lớn, việc triển khai những tình huống tấn công bóng sống bài bản vào lưới những đội mạnh như Nhật Bản, Iraq là rất khó khăn. Ở trận gặp Iraq, học trò HLV Troussier còn không có pha dứt điểm nào, khi những đường chuyền quyết định dễ dàng bị đối thủ bẻ gãy.
Khi đó, những tình huống cố định, mà ông Troussier mô tả là “bị động”, là con đường phù hợp nhất để tìm kiếm bàn thắng.
Đội tuyển Việt Nam đã ghi 6 bàn sau 8 trận dưới thời ông Troussier, nhưng chỉ có 1 pha lập công đến từ tình huống cố định. Đó là quả đá phạt đền thành bàn của Quế Ngọc Hải trong trận ra mắt của HLV người Pháp hồi tháng 6.
Trong 8 trận đã qua, dù thực hiện nhiều pha đá phạt góc, phạt gián tiếp, trực tiếp, nhưng Tuấn Hải cùng đồng đội không ghi được bàn thắng nào. Tại SEA Games 32, khi HLV Troussier nắm U.22 Việt Nam, số pha bóng thành bàn từ những tình huống cố định của toàn đội cũng không cao.
Dường như đội tuyển Việt Nam đang “bỏ quên” vũ khí rất hữu hiệu để ghi bàn. Dưới thời HLV Park Hang-seo trước đây, tình huống cố định là điểm mạnh, khi ông có những chân sút phạt tốt (Hùng Dũng, Quang Hải), cùng dàn cầu thủ giỏi không chiến.
Đội tuyển Việt Nam đã cầm hòa Nhật Bản 1-1 nhờ một tình huống cố định, trong lần gần nhất hai đội gặp nhau. Đó là pha bóng Công Phượng đá phạt góc vừa tầm để Thanh Bình nhảy lên đánh đầu phá lưới đối thủ.
Nếu tập thuần thục các tình huống cố định, đội tuyển Việt Nam sẽ có thêm phương án giải quyết trận đấu khó. Trong bối cảnh toàn đội vẫn chưa chơi đủ nhuần nhuyễn, gắn kết để liên tục tạo ra cơ hội từ tình huống “mở” như HLV Troussier kỳ vọng, đội tuyển Việt Nam cần một giải pháp khác.
Một khía cạnh nữa là phòng ngự từ tình huống cố định, HLV Troussier cũng cần uốn nắn cho học trò. Đội tuyển Việt Nam đã thủng lưới từ các quả phạt góc hoặc treo bóng trong cả 4 trận thua gần nhất trước Trung Quốc, Hàn Quốc, Uzbekistan và Iraq.
Hệ thống phòng ngự với Thanh Bình, Việt Anh, Tuấn Tài đang thiếu một thủ lĩnh thực thụ, nhất là khi Quế Ngọc Hải vắng mặt do chấn thương. Việc chống bóng bổng, chống đá phạt kém mang đến nguy cơ lớn, bởi Iraq, Nhật Bản và Indonesia đều rất mạnh ở những kiểu tình huống này.
HLV Troussier hiểu rất rõ vai trò của các pha bóng cố định, cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Có lẽ, những phát biểu của chiến lược gia người Pháp chỉ thuần túy là một đòn “hỏa mù” mà các HLV thường sử dụng trước giải.
Đội tuyển Việt Nam đang âm thầm rèn những miếng đánh mới. Chỉ đến khi bước vào giải đấu, phiên bản mới mẻ của thầy trò HLV Troussier mới được hé lộ.