Sau 40 năm cống hiến, HLV Mai Đức Chung chính thức nói lời chia tay. Đó là cái kết viên mãn cho một vị chiến lược gia tài ba luôn tận tụy và tử tế vì bóng đá Việt Nam.
Trong biên niên sử của bóng đá Việt Nam, ông Mai Đức Chung hẳn nhiên có vị trí hết sức trang trọng. Trước nhất, ông là tác giả bàn thắng mở tỷ số trong “trận cầu đoàn tụ” giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt năm 1976, đánh dấu sự hội ngộ của bóng đá hai miền Nam – Bắc sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Ở trận đấu bị nhiều thế lực thù địch xuyên tạc bằng những từ ngữ như “tắm máu” hay “máu và nước mắt ấy”, 25.000 khán giả chật cứng sân vận động Thống Nhất, thậm chí tràn xuống cả đường piste.
Ông Chung, chứng nhân lịch sử bồi hồi nhớ lại: “Việc Tổng cục Đường sắt được chọn là có lý do đặc biệt, bởi thời điểm ấy rất mạnh, chỉ đứng sau Thể Công, từng nhiều lần là Á quân và vừa đoạt chức vô địch Công đoàn miền Bắc.
Hơn nữa, việc cử một đội bóng đại diện cho công nhân ngành đường sắt càng có ý nghĩa và hợp lý khi lúc đó tuyến đường sắt Bắc – Nam sắp khánh thành.
Cảm giác được vào Nam thi đấu khó tả lắm, có cả sự xúc động, hồi hộp đếm từng ngày một, nhưng cũng có cả nỗi lo lắng. Trước khi lên đường, chúng tôi rất háo hức vì có ai biết TPHCM như thế nào và càng không biết bóng đá miền Nam ra sao mà chỉ nghe danh “trụ đồng” Tam Lang, “mũi tên vàng” Tư Lê…”.
“Chủ nhật, 7/11/1976 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử bóng đá nước nhà như một cột mốc nối liền Bắc – Nam, nối liền suốt một chiều dài lịch sử”, ông nhấn mạnh.
Giọng ông Chung như nghẹn lại khi kể về thời khắc hai đội bước ra sân: “Cầu thủ hai đội dẫn tay nhau đi từ đường hầm lên trong tiếng vỗ tay vang trời của khán giả, xen lẫn tiếng hát nhộn nhịp theo lời bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được phát ra từ chiếc loa phóng thanh và những giọt nước mắt lăn dài vì hạnh phúc của khán giả khi lần đầu chứng kiến ngày hội bóng đá hai miền.
Lúc ra sân, mắt ai cũng đỏ hoe vì xúc động. Đến nay tôi vẫn không thể quên được giây phút lịch sử ấy, khi trọng tài Hồ Thiệu Quang nổi hồi còi khai cuộc…”.
Trận đấu kết thúc với tỷ số 2-0, nhưng như chính ông Chung chia sẻ: “Cả chúng tôi lẫn khán giả chẳng ai quan tâm đến bàn thắng và đội Cảng Sài Gòn cũng chẳng ai buồn với thất bại vì hôm ấy là một ngày hội thực sự trên sân Thống Nhất mà chỉ việc có mặt trong không khí của trận cầu lịch sử ấy đã là người chiến thắng rồi.
Anh em chúng tôi hôm ấy nhiều người đã khóc lúc ra sân khi nghĩ đến biết bao người đã nằm xuống để có một trận bóng lịch sử giữa hai miền trong ngày đất nước thống nhất…”.
Cũng góp mặt trong trận cầu lịch sử và là tác giả bàn thắng ấn định tỷ số, cố HLV Lê Thụy Hải từng xúc động chia sẻ: “Tất cả mọi kỉ niệm trong đời, cái gì cũng có điều đáng nhớ và đáng quên. Nhưng với tôi, trận cầu lịch sử năm đó thực sự để đời. Bóng đá là để người ta xích lại gần nhau.
Tôi còn nhớ như in khi kết thúc 90 phút thi đấu, dù đội chủ nhà thua 0-2, nhưng khán giả miền Nam đều rất vui sướng hạnh phúc. Những lời hát của bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” liên tục vang lên, cùng các tiếng hò reo, cổ vũ cho cầu thủ hai đội. Giờ cứ đến ngày 30/4, tôi lại thấy nhớ…”.
Như một sự xếp đặt tài tình của số phận, tác giả của hai bàn thắng trong “trận cầu đoàn tụ” đã trở thành những huyền thoại của bóng đá Việt Nam. Ông Lê Thụy Hải và Mai Đức Chung là những nhân vật hiếm hoi từng đăng quang giải vô địch quốc gia trên tư cách cầu thủ lẫn huấn luyện viên.
Cả hai là những người bạn thân thiết và thú vị là sở hữu tính cách có phần khác biệt. Ông Hải cá tính, mạnh mẽ. Ông Chung hiền lành, tình cảm. Tính cách cũng tạo nên số phận và hành trình khác biệt đến thành công giữa hai ông.
Cố HLV Lê Thụy Hải nhiều năm làm đào tạo trẻ và bóng đá nữ trước khi lần đầu tiên cầm quân ở V-League vào năm 2004 tại LG Hà Nội ACB. Từ đó ông trở thành gương mặt nổi bật từ trong ra ngoài sân cỏ của làng bóng đá nội. Ông đã 3 lần vô địch V-League và là huấn luyện viên nội hưởng mức lương cao bậc nhất.
Ông Chung bắt đầu sự nghiệp cầm quân với bóng đá nam, trên hương vị HLV đội trẻ rồi HLV trưởng đội Tổng cục Đường sắt.
Năm 1997, thời điểm bóng đá nữ chưa có giải vô địch quốc gia, ông bất ngờ được bổ nhiệm làm HLV trưởng tuyển nữ Việt Nam lần đầu được thành lập để tham dự SEA Games 19 tại Indonesia, giải đấu chúng ta giành được tấm huy chương đồng.
Từ chỗ “sinh sau đẻ muộn” so với bóng đá nữ Thái Lan hay Myanmar, bóng đá nữ Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trở thành “chị cả” trong khu vực. Dấu ấn của HLV Mai Đức Chung soi chiếu cả hành trình phát triển ấy.
Ông là huấn luyện viên trưởng của đội tuyển nữ Việt Nam ở 4 trong 6 lần giành tấm huy chương vàng SEA Games, là người dẫn dắt các cô gái áo đỏ vào tới bán kết Asiad 2014, và là nhà cầm quân đưa “những cô gái kim cương” lần đầu tiên tham dự vòng chung kết World Cup.
Trước khi thành danh tại đội bóng của ngành Đường sắt, ông Chung bắt đầu sự nghiệp quần đùi áo số tại đội bóng xí nghiệp Xe ca Hà Nội. Vì thế ông có biệt danh là Chung “xe ca”.
Ngoài ra, ông còn được gọi là Chung “điền kinh”, bởi lối chơi bền bỉ như một vận động viên (VĐV) điền kinh. Sau này, khi thành công cùng đội tuyển nữ Việt Nam, ông lại được gọi là Chung “gái”. Hiếm có huyền thoại bóng đá nào lại sở hữu nhiều biệt danh thú vị như thế.
Tuy nhiên, trước khi khép lại sự nghiệp thật viên mãn ở tuổi 74, sự nghiệp của ông Chung nhiều lần lận đận. Khác với ông bạn thân Lê Thụy Hải, HLV Mai Đức Chung từng tếu táo rằng ông từng mất ngủ vì được trả nhiều tiền quá khi nhận lời dẫn dắt CLB Bình Dương vào năm 2010, với mức lương gần trăm triệu đồng.
Một chi tiết độc nhất vô nhị nữa là ông Mai Đức Chung có lẽ là HLV duy nhất trên thế giới từng dẫn dắt cả đội tuyển quốc gia nam và nữ cùng lúc.
Tất nhiên, sự độc đáo ấy cũng đến từ việc gần như bất cứ thời điểm nào bóng đá Việt Nam gặp khó khăn, thậm chí những đội bóng không ai dám nhận “chữa cháy”, HLV Mai Đức Chung luôn sẵn sàng bước lên đương đầu sóng gió.
Chính ông Hải cũng nói người bạn thân của mình “dại”. “Ví dụ như năm 2017 tôi nhận trách nhiệm làm HLV tạm quyền của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam, anh Lê Thụy Hải bảo rằng tôi dại quá, nếu đội thành công thì người ta cũng sẽ quên tôi nhanh thôi.
Còn nếu đội thất bại tôi sẽ là tấm bia để dư luận công kích. Anh ấy khuyên tôi thật lòng và chân thành. Năm đó bóng đá Việt Nam vừa thất bại ở SEA Games 2017, không HLV nào muốn thế chỗ HLV Nguyễn Hữu Thắng để nắm đội tuyển cả”, ông Chung chia sẻ.
“Thậm chí, năm đó nhiều người có cảm giác đội tuyển Việt Nam sắp thua Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019”, ông tiếp tục. “Bản thân Chủ tịch VFF khi đó, anh Lê Hùng Dũng khi gọi điện cho tôi cũng thừa nhận anh ấy trước đó đã gọi nhiều người rồi, họ từ chối cả. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy rất ngại khi đặt vấn đề mời tôi trong tình cảnh như thế.
Bản thân tôi thì nghĩ rằng không lẽ người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã trải lòng như thế với mình, mình từ chối nhận đội thì cũng khó cho anh ấy. Vả lại, ai cũng bỏ đội hết, mình bỏ nữa thì đội sẽ đi về đâu. Thế là tôi nhận đội tuyển Việt Nam. Thật may mắn đội tuyển toàn thắng cả hai trận dưới thời tôi, vượt qua thời điểm khó khăn nhất”.
Bây giờ khi nhìn lại, có thể nói rằng chính sự không ngại khó, ngại khổ ấy đã giúp HLV Mai Đức Chung đi trên hành trình khác biệt để trở thành tượng đài của bóng đá Việt Nam.
HLV Mai Đức Chung đã quyết định chia tay đội tuyển nữ Việt Nam và nghỉ hưu ở tuổi 72. Chia sẻ về quyết định của ông Chung, HLV Park Hang Seo, một tượng đài khác của bóng đá Việt Nam đã viết: “Ông Mai Đức Chung, một huyền thoại của bóng đá Việt Nam.
Kể từ ngày được biết ông, tôi luôn dành sự tôn trọng cao nhất khi được lắng nghe những thành tựu, hi sinh ông đã dành cho bóng đá Việt Nam. Hãy nghỉ hưu vui vẻ, hãy đi du lịch và tận hưởng cuộc sống thật nhiều nhé. Ông xứng đáng được như vậy. Hẹn gặp lại ông vào một ngày gần nhất”.
Chuyên gia Steve Darby, người đã dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 2001, cũng ca ngợi người tiền nhiệm lẫn kế nhiệm: “HLV Mai Đức Chung là một người đàn ông tuyệt vời.
Tôi rất tôn trọng ông ấy cả về mặt chuyên môn lẫn con người. Bất cứ ai gắn bó lâu dài với một đội bóng đều phải có điều gì đó thật đặc biệt. Tôi luôn ấn tượng về cái cách ông ấy quan tâm tới các cầu thủ. Ông ấy là người thầy của các học trò!”.
Điều “đặc biệt” ở ông Chung như chuyên gia Darby đề cập đến chính là sự tử tế. Vị tướng già ấy tử tế với từng học trò để được gọi là “bác Chung”, “bố Chung”. Tiền đạo Nguyễn Anh Đức đã chia tay đội tuyển nhưng chỉ nghe lời gọi của “bố Chung”, lập tức anh lên đường và cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018.
Không phải bỗng dưng các tuyển thủ nữ luôn gắn kết và lăn xả hết mình dưới sự dẫn dắt của “thầy Chung”.
Và vị tướng già ấy tử tế với sự nghiệp phát triển của bóng đá nước nhà, để luôn sẵn sàng lao vào chốn dầu sôi, lửa bỏng không chút nề hà. Khi được hỏi về công thức thành công, ông quả quyết: “Không hề! Tôi có bí quyết gì đâu, chỉ biết làm việc và làm việc.
Tôi làm việc chăm chỉ, luôn tự nhủ cứ cố gắng thêm một chút, vì công việc của mình và vì những người xung quanh. Khi tôi làm việc, bản thân tôi cũng đâu biết được công việc ấy rồi sẽ thành công hay thất bại. Việc của mình thì mình cố gắng làm hết sức thôi”.
Nhiều năm qua, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” đáng ra được nghỉ ngơi, vui vầy, ông Chung vẫn lăn lộn cùng đội tuyển nữ Việt Nam. Giữa mưa gió, rét mướt hay nắng cháy, thậm chí giữa tâm bão đại dịch Covid-19, HLV Mai Đức Chung vẫn lăn lộn cùng các học trò.
Hình ảnh vị tướng già cúc cung tận tụy vì bóng đá nước nhà sẽ mãi in sâu trong tâm khảm người hâm mộ. Đó là giá trị đáng trân trọng nhất của một người làm nghề bằng sự tử tế.
Dantri.com.vn