(Dân trí) – Hàng trăm công nhân được huy động thi công cầu vượt sông Hương. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, thi công đảm bảo, cây cầu sẽ được đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2025.
Dự án cầu vượt sông Hương được thi công từ 23/12/2022, tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện là hơn 2.281 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng. Phần quan trọng nhất của dự án là cây cầu bê tông cốt thép và nhiều hạng mục chính khác bằng thép bắc qua sông Hương, đoạn giữa cồn Dã Viên và chùa Thiên Mụ, có giá trị hợp đồng xây dựng hơn 1.516 tỷ đồng.
Cầu vượt sông Hương gồm 5 nhịp, 6 làn ô tô, 2 làn mô tô và 2 làn đi bộ rộng 3m, bố trí hai bên.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu thứ 7 trên dòng sông Hương. 6 cây cầu trước đó gồm: cầu Chợ Dinh, Trường Tiền, Phú Xuân, Dã Viên, cầu Tuần 1 (trên quốc lộ 1A), cầu Tuần 2 (trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn).
Phối cảnh cầu vượt sông Hương và đường dẫn. Điểm nhấn của công trình là nhịp thông thuyền dài 180m và vòm thép cao hơn 30m ở giữa, được cho là cầu có chiều dài thông thuyền lớn nhất Việt Nam.
Ông Thái Đình Đạo, Chỉ huy phó công trình của Công ty Trung Chính (nhà thầu thi công cầu), cho biết mỗi bên vòm cầu có 6 đốt thân bằng thép, mỗi đốt dài 12m, nặng 50-70 tấn. Nhà thầu đã lắp được mỗi bên vòm 3 đốt phía dưới, còn 3 đốt trên đỉnh vòm đang lắp đặt, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 này và hợp long vào đầu tháng 8 tới (Ảnh: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
Công nhân bắc giàn giáo để vệ sinh, làm sạch bên ngoài thân vòm cầu, trước khi đơn vị thi công dùng cần cẩu hạng nặng đưa lên lắp đặt trên cao.
Theo ông Đạo, để lắp đặt các cấu kiện bằng thép có trọng lượng lớn, đơn vị tập trung 7 cần cẩu loại 25-250 tấn, 5 xà lan và 2 tàu đẩy, hoạt động liên tục.
Tại công trường, 250 công nhân chia làm 3 ca thay nhau làm việc, trong đó ca đêm bắt đầu làm việc lúc 22h hôm trước đến 6h hôm sau.
Để lên được vị trí thi công trên đỉnh, công nhân phải leo thang bộ được làm tạm dọc theo các thân vòm thép đã hoàn thành lắp đặt.
Khi làm việc ở độ cao gần 40m so với mặt nước sông Hương, các công nhân phải luôn cẩn trọng, đeo dây an toàn và có lưới bảo hộ.
“Những hôm trời mưa nhỏ, anh em vẫn làm việc bình thường nhưng ở những vị trí thấp hơn. Còn khi thuận lợi, thậm chí thời điểm nắng nóng gay gắt, các cán bộ kỹ sư, công nhân sẽ chia làm nhiều mũi tăng tốc thi công”, ông Đạo cho biết.
Bên cạnh đó, hàng nghìn bộ giàn giáo loại “khủng” được xếp chồng lên nhau để phục vụ quá trình thi công cầu. Chiều cao của giàn giáo sẽ tương ứng với từng giai đoạn thi công các hạng mục cầu khác nhau.
Ở bên dưới, những tốp công nhân khác cũng đang đẩy nhanh quá trình triển khai lắp đặt dầm dọc, dầm ngang, đúc bản mặt cầu.
Tất cả dầm dọc, dầm ngang đều bằng thép, nguồn gốc từ Nhật Bản, trong đó có đến 128 dầm ngang conson (loại kết cấu có khả năng nâng đỡ và chịu lực lớn trong xây dựng các công trình cầu đường).
Theo ông Đạo, đến nay đơn vị thi công đã lắp đặt được khoảng 95% dầm cầu, chỉ còn 2 đầu cầu. Tổng khối lượng thi công của công trình cầu vượt sông Hương đạt khoảng 80%.
Một công nhân tiến hành hàn cốt pha để phục vụ việc đổ bê tông mố trụ làn đường đi bộ trên cầu vượt ở đầu phía nam.
Phó chỉ huy công trình cầu vượt sông Hương cho biết, trở ngại lớn nhất là thời tiết, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến gần.
Theo ông Đạo, nếu thời tiết thuận lợi và điều kiện thi công đảm bảo, nhà thầu sẽ hoàn thành xây dựng cầu vượt sông Hương vào cuối năm 2024 và có thể đưa vào phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2025.
Riêng phần đường dẫn vào 2 đầu cầu do Công ty cổ phần Đường bộ 1 Thừa Thiên Huế thi công, nhưng hiện chưa thể đẩy nhanh tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, tổng diện tích đất thu hồi phục vụ hạng mục cầu vượt sông Hương và đường dẫn khoảng 35.700m2, thuộc phường Đúc và Kim Long.
Tại phường Đúc, đến nay thành phố Huế đã phê duyệt bồi thường 103/103 hộ bị ảnh hưởng, nhưng mới có 70 hộ bàn giao mặt bằng; tại phường Kim Long đã phê duyệt 17/22 hộ, số hộ đã bàn giao mặt bằng là 3.
Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Người dân bàn giao đất, đơn vị thi công sẽ tiến hành phá dỡ nhà để tạo mặt bằng thi công.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ đầu tư dự án), cho biết lũy kế thực hiện hạng mục cầu vượt sông Hương và đường dẫn đến nay đạt khoảng 1.238/1.516 tỷ đồng (tỷ lệ 82,79%).
Đối với vốn toàn dự án, chủ đầu tư đã bố trí 1.338 tỷ đồng; giải ngân được 1.153,2 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến 31/12 sẽ giải ngân hết vốn bố trí.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương dự kiến khánh thành vào ngày 26/3/2025, chào mừng ngày giải phóng Thừa Thiên Huế.
Dự án hoàn thành sẽ mở ra không gian đô thị mới, khai thác quỹ đất, giúp giãn dân; đồng thời phân luồng giao thông, giảm lưu lượng, hạn chế ùn tắc cho khu vực trung tâm đô thị Huế.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt năm 2022, điều chỉnh năm 2023, gồm 2 hạng mục chính: xây dựng mới 1 cầu vượt sông Hương nối đường Kim Long (phường Kim Long) và Bùi Thị Xuân (phường Đúc), thành phố Huế, với chiều dài toàn cầu khoảng 590m, rộng 43m; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Nguyễn Hoàng, chiều dài hơn 1km.
Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương thuộc đường vành đai 3, là trục giao thông chính, xuyên tâm, kết nối 2 đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà, Hương Thủy với thành phố Huế.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/hinh-hai-cay-cau-thu-7-hon-1500-ty-dong-vuot-song-huong-20240719195231910.htm