Trong cơn mưa tầm tã, cô Nguyễn Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Ngạc, vẫn lội nước bì bõm kiểm tra cơ sở vật chất nhà trường.
Cô Phương cho hay, chiều qua (10/9), nhà trường nhận được thông tin đây sẽ là địa điểm được trưng dụng để đón bà con di tản từ vùng ngập lụt làm nơi tránh trú.
Ngay lập tức, nhà trường cho dọn dẹp toàn bộ đồ đạc của nhà đa năng, mua sắm mì tôm, sữa, nước uống đóng chai, chăn gối…, chuẩn bị đón người dân.
Các đồ dùng bán trú tích trữ còn nguyên bao bì chưa dùng đến như thảm xốp, chăn lông cừu, chăn len được mang từ kho của nhà trường ra để phục vụ người dân.
Đặc biệt, nhà trường chuẩn bị cả wifi, máy tính để người dân có thể liên lạc với người thân trong trường hợp không có điện thoại.
Theo cô Phương, nhà đa năng có diện tích khoảng 500m2, với sức chứa 150-200 người.
Trong trường hợp học sinh chuyển sang học online, tận dụng cả 40 phòng học với diện tích mỗi phòng khoảng 57m2, sức chứa của trường có thể lên đến cả nghìn người.
Cũng theo cô Phương, hiện tại chưa có người dân tới đây lưu trú bởi các phường đang tận dụng nhà văn hóa nhưng nhà trường sẵn sàng tiếp đón bà con bất cứ lúc nào.
Tại Trường Tiểu học Đông Ngạc A, toàn bộ nhà thể chất rộng khoảng 300m2 cũng được sắp xếp lại thành nhà cộng đồng, có sức chứa khoảng 80 người. Toàn bộ khu vực đã phun thuốc muỗi sạch sẽ, khô ráo, bên trong kê 40 chiếc giường tạm, trải chiếu nhựa, chăn và gối sắp sẵn đầu giường.
Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết công tác sắp đặt, bố trí cơ sở vật chất để đón người dân vùng ngập lụt tới tạm trú đã được chuẩn bị từ cuối tuần trước.
Ngoài nhà thể chất, Trường Tiểu học Đông Ngạc A còn trưng dụng 4 phòng học khác, mỗi phòng ở được 20 người, đầy đủ chăn gối, nước uống và thực phẩm ăn liền. Tổng số người dân nhà trường có thể tiếp nhận là 160 người.
Tuy nhiên, cô Hương cho biết, nếu số dân đông hơn, nhà trường vẫn có khả năng bố trí thêm chỗ ở an toàn.
“Nhà trường chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận người dân đến tránh lũ. Tập thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh của trường cũng góp tiền của để mua một số thực phẩm thiết yếu phục vụ bà con.
Hiện chúng tôi có 35 thùng mì tôm, 15 thùng sữa tươi, 450 thanh lương khô, 20 bình nước sạch 20 lít, 500 chai nước khoáng.
Tùy theo tình hình thực tế, chúng tôi sẽ huy động thêm thực phẩm cung ứng, đảm bảo bà con đến đây được an toàn, ấm áp và khỏe mạnh”, cô Hương nói.
Hiện việc học tập của học sinh hai trường nói trên đang diễn ra bình thường. Tuy nhiên, một số giáo viên gặp khó khăn khi đến trường dạy học do sinh sống ở các địa bàn có ngập lụt.
Trên toàn thành phố Hà Nội, nhiều trường học ở địa bàn cao ráo cũng được huy động làm nơi tránh trú cho người dân vùng ngập lụt. Giáo viên được cắt cử, phân công nhiệm vụ nấu cơm, dọn dẹp phục vụ bà con.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 13h, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,14m (dưới báo động 3 là 0,36m).
Nhiều địa bàn đã yêu cầu tất cả các hộ dân ở khu vực nguy cơ ngập đi di tản, đồng thời cắt điện ở các khu vực ngập lụt để đảm bảo an toàn.
Trong đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) vừa phát thông báo yêu cầu tất cả các hộ dân đang sinh sống tại khu vực các Tổ dân phố số 1, 15, 16 ngoài đê sông Hồng di dời trước 18h ngày 11/9.
Phường Phú Thượng sẽ tổ chức cưỡng chế di chuyển những hộ không chịu di chuyển.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hieu-truong-loi-nuoc-nua-ngay-trai-nem-am-cho-nguoi-dan-tranh-lu-20240911174538633.htm