Cụ thể, kết thúc quý 3, TCB ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định, đúng như kế hoạch dự báo. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) cải thiện tốt, đạt 10,418 tỉ đồng, đạt ngưỡng cao nhất từ quý 3/2022. Ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Techcombank cho biết – xu hướng này khá đồng nhất với dự báo và phản ánh tình hình sức khỏe tài chính bền vững của ngân hàng.
NIM hồi phục mạnh mẽ
Theo đánh giá của JP Morgan về kết quả kinh doanh quý 3/2023 của Techcombank, thu nhập lãi thuần (NIM) tăng 16% q/q, đảo ngược chu kỳ giảm của 3 quý gần nhất, nhờ tăng trưởng tài sản và chi phí vốn được cải thiện. Thu nhập ngoài lãi tăng 4% so với quý trước, nhờ thu nhập từ hoạt động trading (kinh doanh chứng khoán đầu tư và ngoại hối), cùng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Cùng chung đánh giá trên, UBS cho rằng lợi nhuận của TCB phù hợp với dự báo của tổ chức này, với quý 3 đạt 5.8 nghìn tỉ đồng, nhưng cao hơn mức dự báo trung bình của thị trường khoảng 17%. Theo UBS, NIM hồi phục mạnh mẽ, tăng hơn 40 điểm cơ bản trong quý 3, so với quý trước đó. Nhận định này trùng hợp với Maybank, về NIM theo năm của Techcombank, tính trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng lên 4,19%, so với 4,08% trong 6 tháng đầu năm, nhờ lãi suất cho vay ổn định ở mức 8,8%, và chi phí vốn giảm xuống mức tương đương 4,96%.
Theo các chuyên gia phân tích tại Maybank, kết quả kinh doanh TCB đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi khả quan. ROE theo năm ở mức 15,2%, xét về chỉ số ROA, TCB vẫn duy trì mức đầu ngành, đạt 2,4%. Cùng với đó, cơ cấu CASA của Techcombank duy trì ở mức tốt 33,6%, nhờ số dư CASA tăng trưởng ổn định, do ngân hàng tích cực đẩy mạnh thu hút khách hàng mới.
Maybank cho rằng, chất lượng tài sản của Techcombank được duy trì ở mức khá, với số dư nợ xấu tuyệt đối tăng 29% theo quý và 113% so với đầu năm lên 6,5 nghìn tỉ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu 1,36%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 93%. Trong khi đó, dư nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) giảm 35% theo quý và 32% so với đầu năm, chiếm 1,3% tổng dư nợ. CIR được duy trì ở mức 33,2%, dù ngân hàng tiếp tục đầu tư vào tài sản cố định (như tòa nhà văn phòng mới) và công nghệ, tổ chức này nhận định. “Các chỉ số về chất lượng tài sản của Techcombank có vẻ tốt hơn nhiều so với các ngân hàng TMCP khác và những lo ngại trước đây của thị trường”, Maybank nhận định.
Cổ phiếu TCB là một lựa chọn hàng đầu trong rổ ngân hàng
Với kết quả kinh doanh tích cực của Techcombank, hãng phân tích JP Morgan duy trì khuyến nghị giữ tỷ trọng cao (Overweight) với giá mục tiêu 40.000 đồng/cp, cao hơn 33% giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại (chốt phiên 31/10 tại 27.700 đồng/cp).
Theo Maybank, TCB đang giao dịch ở mức P/B 0,85x và đưa ra khuyến nghị mua vào với giá mục tiêu 48.700 đồng/cp. “Ở mức giá này, TCB, cùng với STB và MBB, là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong số các ngân hàng VN” – Maybank cho hay. Maybank ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 của TCB sẽ đạt 23 nghìn tỉ đồng.
Một định chế tài chính trong nước là Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi ở TCB sau kết quả quý 3, và duy trì khuyến nghị mua với giá mục tiêu 40.000 đồng/cp. Thị giá/Giá trị sổ sách (P/B) của Techcombank hiện chỉ ở mức 0,8x, thấp hơn trung bình cổ phiếu ngân hàng khoảng 19%.
Về phía đại diện ngân hàng, ông Jens Lottner – CEO Techcombank đánh giá: “Techcombank ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định trong quý 3, theo sát dự báo chúng tôi, trong bối cảnh nền kinh tế đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh, thu hút 2,2 triệu khách hàng mới trong 9 tháng đầu năm. Thu nhập từ dịch vụ ngân hàng đầu tư và dịch vụ bảo hiểm đạt mức tăng trưởng đáng kể trong quý 3, qua đó giúp chúng tôi duy trì đà tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 2 quý liên tiếp, củng cố đà tăng CASA của ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi cao hơn mức tăng toàn ngành trong 9 tháng năm 2023. Với kết quả đạt được trong quý 3, Ngân hàng tin tưởng sẽ đạt mục tiêu lợi nhuận và chất lượng tài sản đã đề ra cho cả năm”.