Ở tập tiểu luận Tại sao ta yêu…, mỏng thôi, chỉ hơn 300 trang khổ vừa, Hiền Trang cho thấy một tình yêu thuần túy với nghệ thuật bằng sự đắm say, ngưỡng vọng và hết sức khiêm nhường.
Gom góp những tình yêu
“Tại sao ta yêu…” Một câu hỏi không có khởi đầu và cũng chẳng có kết thúc, là cơ duyên để tác giả 9X này đi lý giải về cách mà cô đã yêu Vương Gia Vệ, Trương Quốc Vinh, Haruki Murakami, Nabokov, Franz Kafka, Monet, Ozu, The Beatles…
Quyển sách có cấu trúc tản mạn, bàn về văn chương, hội họa, điện ảnh, âm nhạc và chọn những gương mặt tiêu biểu nhất ở mỗi lĩnh vực để bình luận, chỉ ra từng cái hay, sự đặc sắc trong thế giới tinh thần của họ. Ngay từ đầu tập sách, chị xác quyết ngay cách mà mình chọn viết về những nghệ sĩ này: tất cả xuất phát từ một tình yêu giản đơn, thuần túy mà chị dành cho họ, không hơn. Và tất cả những nghệ sĩ chị chọn đều gặp gỡ nhau ở một điểm chung lớn nhất: tình yêu lớn dành cho con người.
Trong bài viết về Murakami, chị tự “phản đề” chính mình: “Tôi có thể kể ra ngay lập tức 200 nhà văn hay hơn Murakami, họ làm tôi lặng người, làm tôi băn khoăn, làm tôi khai sáng, làm tôi kính phục, làm tôi rúng động, làm tôi choáng ngợp, làm tôi khóc. Murakami không làm tất cả những điều ấy, ít nhất là với tôi. Ông chỉ khiến tôi yêu”. Chị đọc Murakami theo cách của riêng mình: chữa lành qua thế giới nghệ thuật của chính ông. Văn chương Murakami là văn chương chữa lành, bởi chị cảm thông rất nhiều ở những hình tượng mà ông tạo ra, dù có như thế nào đi nữa, họ vẫn luôn tiến về phía trước.
Trong buổi giao lưu gặp gỡ Hiền Trang sáng 3.6 do Phanbook tổ chức tại Q.1, TP. HCM, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang, vừa ra quyển sách dạo gần đây là Bể trăng côi, nói về tình của yêu của mình, tình yêu của Hiền Trang. Anh cho rằng, tình yêu của người này không giống người khác. Với nghệ thuật, tình yêu lại càng khác. Một nghệ sĩ, dù có những tác phẩm tạo nên cơn “địa chấn” trong làng văn, trên thế giới, đạt hàng loạt giải thưởng danh giá, nhưng bạn đọc thưởng thức tác phẩm ấy lại có rung cảm nghệ thuật khác nhau. Cách bạn yêu khác với cách tôi yêu.
“Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”
Hiền Trang nhận mình là tạng người của yêu thương. Do đó chị yêu tất cả những nghệ sĩ đã yêu con người với một trái tim lớn. Và những tác phẩm của họ làm đẹp thời gian và làm đẹp cho đời.
Đó là lý do vì sao chị yêu Trương Quốc Vinh, Vương Gia Vệ, vì những tác phẩm của họ là vàng son một thời, là những điều của quá vãng khơi gợi được những rung động của tình yêu.
Nữ tác giả trầm trồ trước vẻ đẹp của Trương Quốc Vinh như “ám” vào từng khung hình: “Anh cô đơn khủng khiếp và khi cô đơn, anh lại đẹp khủng khiếp. Nỗi cô đơn của anh như một bài hát được viết bằng một thứ cổ ngữ của loài chim di trú, không ai muốn dịch nó sang một ngôn ngữ khác…”
Chị nói về niềm say mê khi xem Ozu, một trong những cây đa cây đề của điện ảnh Nhật: “Tôi xem Ozu không giống như xem một bộ phim thông thường, với tình tiết, với kịch tính, với sự háo hức muốn biết rồi-tiếp-theo-là-gì-nữa, với một giây phút đốn ngộ, với một nỗi day dứt, với một giấc mơ”. Phải trân quý cái đẹp trong phim Ozu lắm, phải kính cẩn và nghiêng mình lắm thì Hiền Trang, như cô tự thú nhận, mỗi năm vào ngày cuối cùng, đều bật phim của Ozu lên xem. Và nó trở thành nghi thức hằng năm của cô.
Trong buổi trò chuyện, Hiền Trang có nói về điện ảnh của Trần Anh Hùng, Phạm Thiên Ân – vừa đoạt giải tại Cannes mới đây, mặc dù cô không đề cập đến trong quyển sách này – rằng phim của họ cũng rất đẹp. Chị tâm sự, hồi Trần Anh Hùng làm phim Vĩnh cửu, người ta cho ông hết thời, vì cái đẹp của Trần Anh Hùng luôn nhẹ nhàng, mỹ hóa mọi thứ, dường như bị chững lại, không mang tính khiêu khích bởi nhà làm phim này đã triệt tiêu hầu hết các yếu tố của kịch tính để tạo nên những khung hình lắng lại với thời gian; với Phạm Thiên Ân, cô nhận xét đạo diễn này đã chọn cho mình một con đường để làm phim, và mọi thứ đẹp vì anh đã tạo được một gương mặt, một hướng đi cho riêng mình để rồi chìm đắm trong đó.
Vì là tạng người chỉ yêu và yêu thôi nên Hiền Trang chia sẻ mình không thể xem được phim của Kim Ki Duk, vì ông thù hằn và ghét con người đến thế. Phim của ông như sự trả thù cuộc đời. Về điểm này, có độc giả tại buổi nói chuyện góp ý thêm, có lẽ Kim Ki Duk không ghét cuộc đời đâu, phim ông gai góc và trần tục không có nghĩa là ông thù hằn con người, ông làm ra những tác phẩm mang cái đẹp ẩn tàng, suy cho cùng thì “vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.
Viết như chơi
Hiền Trang là một nhà phê bình, một người kể chuyện, một kẻ lãng du viết về cái đẹp trong quyển sách này, và dù ở “vai trò liên quan đến chữ nghĩa” nào đi nữa – xin dẫn nhận xét của nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu – để thấy rằng chị là “một người đang yêu, đang tận hưởng những gì đẹp nhất mà con người tạo nên – NGHỆ THUẬT”. Do vậy mà, những điều chị viết tuy là những cái đẹp hàn lâm, trừu tượng lắm nhưng chị viết như chơi, bằng thứ văn phong nhẹ nhàng, đầy cảm xúc riêng tư, “lấy hồn ta để hiểu hồn người”.
Và như nhận xét của một độc giả lớn tuổi tại buổi nói chuyện, phong cách viết tiểu luận của Hiền Trang không gây “ngán”, không giáo điều. Kỹ thuật viết của chị rất hay: bắt lấy một chân dung, chọn ngay những chi tiết tâm đắc, và thong dong bình về nó với tất cả niềm say mê.
“Tôi không tự tin về trí nhớ của mình, thường khi viết về điều gì tôi đều phải xem, đọc lại cả”, chị chia sẻ. Nhưng độ chân xác về thông tin chỉ là bề nổi, cái quan trọng hơn cả, chị chạm vào trái tim người đọc bằng độ chín muồi và chân thực về cảm xúc khi viết.
Tác giả Hiền Trang sinh năm 1993, từ năm 2015, đều đặn, chị cho ra mắt những tác phẩm như Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ – 2015, Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi – 2016, Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa – 2018, Dưới mái hiên đêm, những khách lạ (2020)…