Thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ngoài hệ thống ngân hàng (NH), hệ thống tài chính cũng phát triển toàn diện và đa dạng hơn với thị trường chứng khoán, bảo hiểm và các định chế tài chính phi NH khác.
Bức tranh tài chính nhiều màu
Theo Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, kể từ khi chỉ số Phát triển Tài chính (FD) của Việt Nam được công bố trong dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có thể thấy giai đoạn 1992-2021, chỉ số FD Việt Nam đã có xu hướng tăng. Năm 2021, chỉ số này đạt 0,38 điểm, xếp hạng 59/183 quốc gia và chỉ đứng sau nhóm các nước châu Âu (0,5 điểm) và nhóm thị trường phát triển (0,62 điểm); cao hơn mức trung bình của thế giới (0,32 điểm) và cao hơn nhiều so với nhóm các quốc gia thu nhập thấp và đang phát triển (0,15) về mức độ phát triển chung của hệ thống tài chính. Xét trong khu vực ASEAN, mức độ phát triển tài chính của Việt Nam theo chỉ số FD tương đương với Philippines (0,38 điểm) và có mức chênh lệch khá xa so với các nước Thái Lan (0,73 điểm), Malaysia (0,73 điểm) và Singapore (0,7 điểm).
Tín dụng khu vực tư nhân trên GDP có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 15 năm trở lại đây, từ mức 82,87% GDP (năm 2008) đã lên 132,75% GDP (năm 2003). Chỉ tiêu tín dụng khu vực tư nhân trên GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, ngược lại tỉ lệ phí bảo hiểm trên GDP, tỉ lệ tài sản quỹ đầu tư trên GDP, tỉ lệ tài sản quỹ hưu trí trên GDP lại rất thấp, cho thấy áp lực rất lớn lên hệ thống NH thương mại nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung.
Về khả năng tiếp cận tổ chức tài chính và thị trường tài chính, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam trong 15 năm qua (giai đoạn 2006-2021) đã có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng máy ATM (gấp 8 lần) và tăng trưởng một số lượng nhất định về chi nhánh NH hướng đến sự tiếp cận tối đa cho khách hàng trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Ở góc độ tổ chức, các tổ chức tài chính Việt Nam, cụ thể là lĩnh vực NH hoạt động khá hiệu quả và đạt mức cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ở góc độ thị trường và các tổ chức tài chính phi NH, mức độ hiệu quả hoạt động của Việt Nam cần được cải thiện hơn trong tương lai.
Báo cáo khoa học của TS Nguyễn Anh Vũ – TS Triệu Kim Lanh (Trường Đại học Ngân hàng TP HCM) cũng cho rằng hệ thống tài chính Việt Nam đã có sự tăng trưởng khá mạnh trong khoảng 15 năm trở lại đây.
Tín dụng tăng gấp 3,5 lần (giai đoạn 2013-2023); doanh thu phí bảo hiểm tăng gấp 10,7 lần; vốn hóa thị trường và giá trị giao dịch cổ phiếu tăng trung bình gấp 25 lần. Tuy nhiên, sự phát triển về chiều sâu ở 3 trụ cột chính là NH, bảo hiểm và chứng khoán còn chưa đồng đều. Dòng vốn trong nền kinh tế luân chuyển chủ yếu trong lĩnh vực NH.
Cụ thể, năm 2023 tín dụng chiếm 136,9% GDP, trong khi lĩnh vực bảo hiểm chỉ chiếm trung bình khoảng 2% GDP, giá trị vốn hóa và quy mô giao dịch trên thị trường chứng khoán tương đối lớn (58,08% và 43,02% GDP) nhưng quy mô huy động vốn từ thị trường chứng khoán còn hạn chế, tỉ lệ tổng tài sản của các quỹ đầu tư trên GDP mới đạt 0,65%, các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện còn đang ở giai đoạn hình thành với quy mô nhỏ bé.
Từ đó cho thấy mức độ tập trung vốn và sự phụ thuộc về vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn còn do hệ thống NH đảm nhiệm. Dư địa cho sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm và thị trường chứng khoán trong tương lai còn khá lớn và đầy tiềm năng.
Tìm giải pháp phát triển thị trường vốn
Trước những thực tế đó, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM tổ chức hội thảo khoa học (FINHUB 2024) với chủ đề “Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam”, sự kiện được Báo Người Lao Động bảo trợ thông tin.
Phiên hội thảo chính thức tổ chức ngày 18-7 sẽ quy tụ các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, định chế tài chính, hiệp hội và cơ quan quản lý. Các chuyên gia sẽ cùng chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu, cũng như thực tiễn kinh doanh, thực tiễn quản lý điều hành của tổng thể thị trường tài chính Việt Nam.
“Với sự quy tụ của đội ngũ chuyên gia uy tín, FINHUB 2024 sẽ góp phần đánh giá thực trạng, tiềm năng, nhận diện rủi ro, từ đó hiến kế các giải pháp nhằm phát triển bền vững, toàn diện hệ thống tài chính Việt Nam, bảo đảm nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống và an sinh xã hội” – PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, nhìn nhận.
Theo TS Nguyễn Anh Vũ – Trưởng Khoa Tài chính Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, Phó trưởng Ban Tổ chức FINHUB 2024 – các báo cáo tại hội thảo sẽ tập trung thảo luận một số nội dung chính như: Đánh giá tổng thể về quy mô, cơ cấu, mức độ phát triển tài chính của Việt Nam; đánh giá thực trạng hoạt động, nhận diện rủi ro và tiềm năng phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; kỷ luật thị trường và mô hình giám sát hệ thống tài chính; tác động của các cú sốc bên ngoài và các vấn đề nội tại đến thị trường tài chính Việt Nam.
Các chuyên gia cũng sẽ nêu ra các giải pháp phát triển thị trường vốn và các định chế tài chính phi NH; giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam; đổi mới tài chính và sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới; tài chính xanh, tài chính bền vững và các phương thức tài trợ bền vững; hội nhập tài chính và giải pháp xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Trung, FINHUB 2024 được tổ chức theo mô hình gắn kết chặt chẽ giữa hàm lượng khoa học và giá trị thực tiễn. Khởi động từ đầu năm 2024, FINHUB 2024 đã thu hút được sự quan tâm và tham gia viết bài của các nhà khoa học từ khắp mọi miền đất nước.
Sau khi trải qua vòng phản biện độc lập đã có 28 bài viết đạt chất lượng tốt nhất được duyệt đăng trong toàn văn kỷ yếu, các bài viết sẽ tiếp tục được lựa chọn để đăng tại Tạp chí Kinh tế NH châu Á (AJEB).
Nguồn: https://nld.com.vn/hien-ke-phat-trien-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-196240717193450573.htm