NDO – Chiều 17/1, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Dự hội nghị có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, đại diện một số sở, ngành của thành phố. Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia… đã nêu lên nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất tâm huyết nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; mong muốn công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW sẽ đạt hiệu quả, thành công cao như kỳ vọng.
Theo các đại biểu, thành phố cần xác định rõ, cụ thể những lĩnh vực ưu tiên để tập trung đầu tư phát triển; đổi mới các cơ chế, chính sách, thể chế để hỗ trợ phát triển.
Thành phố cần sớm hoàn thiện, đồng bộ hành lang pháp lý cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; có chính sách, cơ chế cởi mở, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia quốc tế.
Đối với những vấn đề mới mẻ trong nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thành phố cần có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo các quy định pháp lý, tổ chức thí điểm nghiên cứu, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm…
Một nhà khoa học đóng góp ý kiến tại hội nghị. |
Bên cạnh đó, các nhà khoa học, chuyên gia cũng kiến nghị thành phố cần chú trọng đầu tư phát triển cho cơ sở dữ liệu, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn và khai thác hiệu quả; bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, chia sẻ được dữ liệu; dữ liệu phải được chuẩn hóa, bảo mật tốt hơn.
Thành phố cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng nhiều hơn nữa trong cuộc sống và công việc hằng ngày.
Thành phố cần đơn giản hóa, rút ngắn quy trình và thời gian xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học-công nghệ.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ cần chú trọng, đề cao chất lượng, hiệu quả thực tế, không chạy theo số lượng công trình, đề tài.
Thành phố cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước sử dụng công nghệ Việt Nam; sớm hình thành được các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Thành phố cần có những chính sách tốt để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội phục vụ phát triển; phải tạo ra được động lực, khơi dậy được các tiềm năng, nguồn lực của xã hội.
Trong đó, thành phố nên nghiên cứu thí điểm một số mô hình xã hội hóa mang lại hiệu quả tốt; có cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Ngoài ra, thành phố cần đổi mới phương thức làm việc, đánh giá hiệu quả công việc thực chất hơn, có định lượng hiệu quả.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 thì kinh phí chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt 2% GRDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Phấn đấu trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước; thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu; thuộc nhóm 3 tỉnh, thành về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số dẫn đầu cả nước. Thu hút một số tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, nhà máy, trung tâm nghiên cứu, sản xuất tại Thành phố.
Hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành ít nhất 5 trung tâm xuất sắc đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực trọng tâm; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành 5-10 doanh nghiệp công nghệ lớn; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt từ 8-10%.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt hơn 80%.
Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt đạt hơn 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt hơn 40% tổng số doanh nghiệp.
Tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%.
Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP.
Nguồn: https://nhandan.vn/hien-ke-de-thuc-hien-nghi-quyet-so-57-nqtw-hieu-qua-tot-hon-post856570.html