SGGP
Ở Khu tự trị Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc, nhiều quy trình trong sản xuất bông đã được tối ưu hóa, chẳng hạn như trồng, quản lý, thu hoạch và chế biến.
Trường Thục, một trong các trung tâm may mặc lớn của Trung Quốc. Ảnh: NHÂN DÂN NHẬT BÁO |
Các công nghệ và cơ sở vật chất mới nhất, bao gồm hệ thống vệ tinh định vị BeiDou, đã thúc đẩy quá trình thông tin hóa các cánh đồng bông, giảm cả chi phí và ô nhiễm.
Còn TP Trường Thục, tỉnh Giang Tô phía Đông Trung Quốc là nơi có hơn 4.000 cơ sở sản xuất quần áo và 35 chợ quần áo bán buôn, khiến nơi đây trở thành trung tâm dệt may lớn của Trung Quốc.
Trước tác động của thời trang nhanh và sản xuất linh hoạt, các nhà sản xuất dệt may truyền thống ở Trường Thục đã chọn cách số hóa và thương mại điện tử từ quy trình sản xuất đến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu để duy trì lợi thế trên thị trường.
Ngày nay ở Trường Thục, người ta thường thấy những “bộ não kỹ thuật số” chỉ huy liên kết sản xuất trong các nhà máy may mặc, quần áo bình dân được bán trên các nền tảng trực tuyến.
Mới đây, Công ty TNHH Dệt kim Giang Tô Golden Morning ở Trường Thục nhận được đơn đặt hàng sản xuất 60.000 bộ quần áo chỉ trong 10 ngày. Chỉ một tuần sau, quần áo đã được giao đủ cho khách hàng.
Ông Lin Guoshi, Giám đốc điều hành của công ty, cho biết, thường phải mất một tuần để dây chuyền sản xuất sẵn sàng trước khi sản xuất một mẫu vải mới. Điều giúp công ty có thể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là nhờ “bộ não kỹ thuật số ” tên gọi SewSmart, điều khiển hệ thống tự động về cổ áo, túi trước và các bộ phận khác của quần áo thông qua băng tải trên cao đến các trạm làm việc tương ứng và ghi lại hoạt động của công nhân theo thời gian thực bằng máy tính bảng. Hệ thống thông minh này rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện hợp đồng.
Theo ông Liu Ke, một trong những nhà sản xuất hàng may mặc, có thể cần 200 hoặc 300 công đoạn để sản xuất một bộ quần áo có kiểu dáng phức tạp. Việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi quy trình sản xuất hàng may mặc giúp cho sự hợp tác giữa các bộ phận khác nhau của nhà máy trở nên hiệu quả hơn. Hệ thống “não kỹ thuật số ” cũng có thể góp phần vào việc thiết kế hàng may mặc. Nhờ nền tảng dịch vụ kỹ thuật số có tên “Style3D”, việc thiết kế ngày nay dễ dàng như việc xây dựng các khối. Những gì một nhà thiết kế cần làm là chọn “các bộ phận” của quần áo từ cơ sở dữ liệu trong hệ thống, ghép chúng lại với nhau và thực hiện một số điều chỉnh.
Chỉ mất chưa đầy nửa giờ để tạo ra một mẫu quần áo 3D. Tờ Nhân dân nhật báo dẫn lời ông Yu Zhe, quan chức của Phòng Công nghiệp và công nghệ thông tin Trường Thục, cho biết, hơn 700 doanh nghiệp dệt may trong thành phố đã thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số trong 3 năm gần đây, với tiền đầu tư tổng cộng hơn 2 tỷ NDT (279,29 triệu USD).
Nhờ đó, năng suất lao động của các doanh nghiệp này bình quân cao hơn trước 35%, chu kỳ sản xuất được rút ngắn 19%. Năm 2022, khối lượng giao dịch của Changshu Garments Town, một trong những trung tâm phân phối quần áo lớn nhất ở miền Đông Trung Quốc, đạt 142,1 tỷ NDT. Đồng thời, một thị trường quần áo trực tuyến trị giá 100 tỷ NDT cũng được ra mắt tại TP Trường Thục.