Hình ảnh ngọn núi Phú Sĩ, biểu tượng của Nhật Bản – Ảnh: Klook
Giao thông bị ùn tắc, rác thải có ở khắp nơi, du khách ăn mặc phản cảm… là những thứ không đẹp mắt mà chúng ta có thể gặp phải khi đến thăm núi Phú Sĩ.
Theo trang SCMP, tháng trước, thị trấn Fujikawaguchiko, tọa lạc tại tỉnh Yamanashi, nơi nổi tiếng với khung cảnh ngoạn mục của núi Phú Sĩ đã trở nên đông đúc vì du khách kéo đến tìm kiếm những bức ảnh với ngọn núi nổi tiếng.
Đặc biệt, một cửa hàng tiện lợi với bối cảnh ngọn núi phía sau đã vô tình trở thành “thánh địa” chụp hình “hot”.
Vì du khách tới chụp ảnh selfie trước cửa hàng quá nhiều, chính quyền đã dựng một màn chắn cao 2,4 mét để chặn tầm nhìn ra ngọn núi thiêng liêng này.
Cửa hàng tiện lợi Lawson trở thành địa điểm chụp hình “hot” vì nền núi Phú Sĩ phía sau – Ảnh: SCMP
Sau địa điểm này, du khách tiếp tục kéo đến cầu Giấc Mơ Fuji trên đường 139 ở tỉnh Shizuoka để chụp ảnh. Đây là một cây cầu đi bộ với những bậc cầu thang có bối cảnh núi Phú Sĩ ở phía sau.
Từ sau khi những bức ảnh chụp của nhiều người tại nơi này được đăng lên Instagram, cầu Giấc Mơ Fuji đã trở thành địa điểm check-in nổi tiếng.
Miyu Toyama, một quan chức của Phòng trao đổi du lịch, cho biết: “Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 12-2023, khi KOL người nước ngoài đưa hình ảnh lên Instagram. Hình ảnh này nhanh chóng lan rộng. Hiện tại, hầu hết những người đến thăm cây cầu đều là người nước ngoài, không phải người Nhật”.
Theo ước tính của chính quyền Shizuoka, số lượng du khách tới cầu Giấc Mơ Fuji đã tăng lên hơn 100 người mỗi ngày.
Hình ảnh cây cầu Giấc Mơ Fuji với ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng – Ảnh: Klook
Vị quan chức trên cũng chia sẻ thêm: “Du khách kéo đến đây bất kể trời mưa hay mây mù. Điều này đồng nghĩa rằng họ sẽ ở lại đây lâu hơn để chờ trời quang mây tạnh. Như vậy, nhiều người sẽ cùng tới cây cầu chụp ảnh cùng lúc. Việc này đang trở thành một vấn đề nan giải”.
Người dân liên tục phàn nàn với chính quyền địa phương về việc đỗ xe trái phép, xả rác bừa bãi, tiếng ồn quá lớn và thậm chí cả việc phóng uế nơi công cộng.
Cổng của một ngôi nhà bị hư hại 2 lần do các vụ va chạm xe cộ. Rất may, họ chưa nhận được báo cáo nào về thương tích từ các vụ tai nạn giao thông.
Sự hiện diện quá đông của du khách đã gây ra nhiều hệ lụy như xói mòn và ô nhiễm, đến mức người dân địa phương đã gọi núi Phú Sĩ là “núi rác”.
Miyu Toyama cho biết thêm: “Mặc dù chúng tôi rất biết ơn số lượng lớn khách du lịch bị thu hút bởi vẻ đẹp quyến rũ của địa phương, nhưng chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc đạt được sự cân bằng lành mạnh giữa khách du lịch và người dân địa phương”.
Du khách đổ xô tới núi Phú Sĩ đã kéo theo nhiều hệ lụy đáng sợ với các địa phương xung quanh danh thắng này – Ảnh: CNN
Những lo ngại này cũng trùng hợp với thông báo của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản về lượng du khách nước ngoài đến nước này vào tháng 4 đã lập kỷ lục là 3,04 triệu lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Con số này tăng 56% so với một năm trước đó và đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đạt trên 3 triệu lượt. Cơ quan này cho biết đa số du khách đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Đông Nam Á và Trung Đông.
Tuy nhiên, trước những lo ngại của người dân và các nhà chức trách Nhật Bản, Ashley Harvey – một nhà phân tích tiếp thị du lịch – đã nêu ý kiến phản bác.
Theo Harvey, tình trạng du khách quá tải kéo theo hệ lụy khác là không thể tránh khỏi. Cho dù chính quyền địa phương tìm được giải pháp để giải quyết tình trạng này, những KOL du lịch sẽ tìm thấy những địa điểm để khác để check-in.
Theo quan điểm của Harvey, các nhà chức trách địa phương có thể đưa ra hạn ngạch vào những thời điểm cao điểm nhất định và những địa điểm không thể bỏ qua, để hạn chế tình trạng quá tải du lịch, đồng thời đưa ra mức giá linh hoạt cho du khách, tạo nguồn thu cho cộng đồng địa phương.
Các khu vực công và tư nhân có thể liên kết để hướng tới mục tiêu là phát triển ngành du lịch thành một trụ cột kinh tế quan trọng của địa phương.
Nguồn: https://tuoitre.vn/het-phien-cua-hang-tien-loi-du-khach-keo-den-cau-thang-chup-nui-phu-si-20240521151707032.htm