(CLO) Tháng 11 chỉ còn cách vài ngày nữa, nhưng ngọn núi Phú Sĩ biểu tượng của Nhật Bản vẫn chưa có tuyết, đánh dấu ngày muộn nhất chưa có tuyết rơi kể từ khi bắt đầu ghi chép cách đây 130 năm.
Đỉnh núi cao nhất Nhật Bản thường phủ đầy tuyết vào đầu tháng 10, nhưng tính đến ngày 29/10, đỉnh núi vẫn trơ trụi, dấy lên hồi chuông cảnh báo về tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với một trong những địa danh được yêu thích nhất Nhật Bản.
Thông thường, trận tuyết rơi đầu tiên báo hiệu mùa đông đến sẽ diễn ra sau mùa leo núi mùa hè, năm nay kết thúc vào ngày 10/9.
Theo cơ quan thời tiết Nhật Bản, tuyết bắt đầu hình thành trên núi Phú Sĩ trung bình vào ngày 2/10. Năm ngoái, tuyết được ghi nhận vào ngày 5/10, nhưng phần lớn đã tan vào đầu tháng 11 do nhiệt độ ấm lên.
Văn phòng Khí tượng địa phương Kofu của Nhật Bản, nơi công bố trận tuyết rơi đầu tiên trên núi Phú Sĩ hằng năm kể từ khi thành lập vào năm 1894, vẫn chưa công bố thông tin này trong năm nay vì lý do thời tiết ấm áp trái mùa.
Shinichi Yanagi, một nhân viên khí tượng tại văn phòng Kofu, cho biết: “Do nhiệt độ cao ở Nhật Bản vẫn tiếp diễn kể từ mùa hè và trời mưa nên không có tuyết rơi”. Tình trạng thiếu tuyết tính đến ngày 29/10 đã phá vỡ kỷ lục trước đó là ngày 26/10, được thiết lập vào năm 1955 và 2016.
Vào tháng 9, Cơ quan Khí tượng cho biết năm nay Nhật Bản ghi nhận mùa hè nóng nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1898.
Cơ quan này cho biết nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 cao hơn 1,76 độ C so với mức bình thường, vượt qua kỷ lục trước đó là 1,08 độ C được thiết lập vào năm 2010.
Theo phân tích từ nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central, Nhật Bản vẫn ấm áp bất thường vào mùa thu, với ít nhất 74 thành phố ghi nhận nhiệt độ là 30 độ C hoặc cao hơn vào tuần đầu tiên của tháng 10.
Climate Central phát hiện rằng đợt nắng nóng bất thường vào tháng 10 ở Nhật Bản có khả năng xảy ra cao gấp ba lần do khủng hoảng khí hậu.
Một nghiên cứu mới vào tháng 1 phát hiện ra rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm giảm lượng tuyết rơi ở hầu hết các khu vực Bắc bán cầu trong 40 năm qua.
Tuyết rơi muộn hơn trên núi Phú Sĩ có thể là dấu hiệu đáng lo ngại về tương lai của thế giới, khi mùa đông ấm hơn sẽ tác động đến tuyết, du lịch, nền kinh tế địa phương, nguồn cung cấp thực phẩm và nước, thậm chí cả dị ứng.
Nằm giữa hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka của Nhật Bản, ngọn núi Phú Sĩ cao 3.776 mét là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và là biểu tượng của Nhật Bản. Nơi đây thường được phủ tuyết gần như quanh năm cho đến khi mùa leo núi hàng năm bắt đầu vào tháng 7.
Hoài Phương (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nui-phu-si-van-chua-co-tuyet-roi-pha-vo-ky-luc-130-nam-post319155.html