Ngày 22-3 này, bộ phim mang lại giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2023 cho đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng sẽ ra rạp Việt với tựa Muôn vị nhân gian.
Tựa gốc của phim là La Passion de Dodin Bouffant (nghĩa đen: Nồi hầm trên bếp lửa), tiếng Anh là The Taste of Things.
Tựa Việt Muôn vị nhân gian khá sát nghĩa bóng, lại khá gợi. Tuy nhiên, cũng không ít người nhận ra tựa này gợi nhắc đến tên tiếng Việt của một phim ra rạp trước đó là Muôn kiếp nhân duyên (Past Lives).
Không ngại nhân đôi
Không ít khán giả đồng tình với tựa Việt của Past Lives và bình luận chính nó làm phim thêm đậm đà, cũng chỉ có tựa phim đó mới cắt nghĩa được cho mối quan hệ giữa người với người mà phim đề cập.
Tuy nhiên, khi đặt Muôn vị nhân gian cạnh Muôn kiếp nhân duyên, có một số khán giả khắt khe cho rằng tựa phim na ná nhau, thậm chí giống cả tựa một cuốn sách được xuất bản trước đó là Muôn kiếp nhân sinh của tác giả Nguyên Phong.
Đành rằng, hai tựa tiếng Việt trên dịch khá hay và sát với nội dung phim, nhưng từ khi nào kho ngôn ngữ tiếng Việt lại quanh đi quẩn lại bởi “muôn kiếp”, “muôn vị”, “nhân duyên” rồi lại “nhân sinh”?
Ở đây không đề cập đến những bộ phim cùng “vũ trụ” hoặc cùng series. Chẳng hạn nước ta có Lật mặt (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7), Gái già lắm chiêu (1, 2, 3, 5)…
Phim ngoại thì nhiều vô kể, thậm chí không chỉ phát triển thành nhiều phần phim (có tên giống nhau, chỉ khác nhau ở số thứ tự) mà họ còn tạo dựng được cả hệ sinh thái, không chỉ bán phim mà bán cả những sản phẩm văn hóa giải trí đi kèm.
Tuy nhiên gần đây dẫu không cùng một “hệ”, có không ít phim nội “ăn theo” hoặc bắt chước tên phim ra rạp trước đó, bắt chước cả chính mình.
Có thể kể ra một số ví dụ gần đây như Gặp lại chị bầu của đạo diễn Đoàn Nhất Trung khởi chiếu 10-2 (tức mùng 1 Tết năm nay) có tên phim dễ liên tưởng tới phim Cua lại vợ bầu – cũng do Đoàn Nhất Trung làm đạo diễn – chiếu vào dịp Tết 5 năm trước.
Thậm chí tựa Gặp lại chị bầu còn bị một số khán giả cho là “ăn theo” tựa Yêu lại vợ ngầu (Love Reset) – phim Hàn có doanh thu cao nhất năm ngoái tại thị trường nước ta.
Hay một ví dụ khác là cả hai phim Hàn ra rạp Việt ở hai thời điểm khác nhau lại có tựa Việt gần như “sinh đôi”: Bỗng dưng trúng số (6/45, ra rạp cuối năm 2022) và Bỗng dưng trúng mánh (Good Job, cuối năm 2023).
Nhìn những ví dụ trên, dễ nhận thấy dường như chỉ cần thay một chữ cái, tên phim cũ được “hô biến” thành ngay tên phim mới. Có chuyện gì với việc đặt tên phim vậy?
Tiếng Việt ta không nghèo từ vựng và cách diễn đạt đến nỗi các nhà phát hành, nhà làm phim phải bắt chước nhau, thậm chí dùng những cách diễn đạt đã trở nên sáo mòn như vậy.
TS Đỗ Anh Vũ
Ai muốn dễ dãi?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, TS ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ cho rằng mục đích của những phim ra rạp thường hướng tới yếu tố lợi nhuận. Khán giả càng đông, nhà phát hành càng khoái.
“Vì thế đôi khi người ta chẳng cần suy nghĩ nhiều làm gì cho mệt, bèn lấy luôn một style (kiểu) nào đó đã hoặc đang có sẵn hiệu ứng nhằm lôi kéo sự chú ý của khán giả càng nhiều càng tốt”, ông Vũ nói.
Ông Vũ nhận định ngôn ngữ vốn là một vẻ đẹp của văn hóa, của lịch sử, của hình ảnh và hình tượng, của nhịp điệu và nhạc tính. Đặc biệt là tiếng Việt, một thứ tiếng giàu thanh điệu và có truyền thống, bản sắc.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm lại nhìn theo một góc khác. Về việc đặt nhan đề, anh chia sẻ: “Có thể, đơn vị nhập phim và phát hành muốn có sự kết nối và dễ liên tưởng hơn cho khán giả”.
Nói về tựa phim Việt hóa, ông Lâm dẫn ra trường hợp hai phim Muôn kiếp nhân duyên và Muôn vị nhân gian, cho rằng “bộ phận chuyển ngữ có sự dụng công và khá hợp”.
Chủ đề này từng thành tiêu điểm tranh luận trên Facebook cá nhân của một nhà làm phim.
Một đạo diễn của nhiều bộ phim ăn khách đã đặt câu hỏi: Nên đặt tựa giữ trọn ý nghĩa tên phim gốc hay tựa hứa hẹn bán được nhiều vé? Đây cũng là câu hỏi khiến không ít nhà phát hành, nhà làm phim đau đầu.
Suy cho cùng, phim ra rạp, yếu tố marketing thường được đặt lên hàng đầu. Có phim bám sát tên gốc, có phim thì thoát hết ý, chẳng liên quan gì cái tên gốc. Chắc là chẳng sao cả.
Đã làm phim thì không ai muốn dễ dãi và về cơ bản cũng chẳng có nhà phát hành nào lấy một tựa phim tùy hứng cả. Cũng là tùy từng góc nhìn mỗi người mà thôi.
Bạn Quang Huy (Hà Nội) – một fan của điện ảnh – cho rằng không nên khắt khe quá. Nếu nâng cao quan điểm là làm xấu/nghèo nàn ngôn ngữ như cách đặt tên phim ở trên thì chưa thực sự thỏa đáng với những nhà làm phim.
Quang Huy còn liệt kê ra một loạt phim nước ngoài có tựa bị dịch sai khi được bản địa hóa ở các thị trường mà nó được nhập về. “Điều đó chẳng có gì lạ lùng”, Huy nói.