Nga coi việc phát triển các nền tảng thanh toán thay thế cho các nền tảng của phương Tây là mục tiêu quan trọng khi nước này đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên BRICS.
Thông tin trên được Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với các Đài phát thanh Sputnik, Govorit Moskva và Komsomolskaya Pravda hôm 19/4.
“Một trong những mục tiêu là sự phân công từ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm ngoái cho các Bộ trưởng Tài chính, cũng như các Ngân hàng Trung ương, chuẩn bị các đề xuất về nền tảng thanh toán thay thế”, ông Lavrov cho biết.
“Điều này sẽ rất quan trọng để đảm bảo các mối quan hệ kinh tế, triển vọng kinh tế, những triển vọng này rất vững chắc, có rất nhiều kế hoạch… Phương Tây đang tự tay hủy hoại niềm tin vào hệ thống kinh tế toàn cầu mà họ từng tạo ra”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói.
Ngoài ra, ông Lavrov cho biết năm nay 250 sự kiện sẽ được tổ chức trong khuôn khổ BRICS để đảm bảo “sự gia nhập suôn sẻ của các thành viên mới vào nhóm”.
“Số lượng thành viên đã tăng gấp đôi và BRICS đã phát triển các truyền thống, quy trình hiểu biết, bao gồm văn hóa đồng thuận, hỗ trợ lẫn nhau và nhiều cơ cấu hoạt động trong nhiều năm tồn tại. Vì vậy, những thành viên mới này sẽ phù hợp không chỉ trong các sự kiện cấp Bộ và Hội nghị Thượng đỉnh mà còn tại các cuộc họp ngành liên quan đến công nghệ thông tin, nông nghiệp và ngân hàng”, ông cho biết thêm.
BRICS hiện có 10 thành viên. Kể từ khi thành lập vào năm 2006, BRICS đã trải qua 2 giai đoạn mở rộng. Năm 2011, Nam Phi gia nhập nhóm ban đầu, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, khiến BRIC trở thành BRICS.
Trong đợt mở rộng thứ hai, Argentina là một trong 6 thành viên mới được mời gia nhập vào tháng 8 năm ngoái nhưng sau đó đã từ chối lời mời.
Từ ngày 1/1 năm nay, 5 thành viên mới chính thức tham gia các hoạt động của BRICS, bao gồm Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và Ethiopia. Riêng Ả Rập Xê-út chưa chính thức xác nhận nhưng cũng không từ chối tham gia khối do Trung Quốc và Nga dẫn dắt.
BRICS sau khi mở rộng có ảnh hưởng “đáng gờm”. Hiện khối này bao gồm những nhà sản xuất dầu lớn nhất và những nhà tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Các thành viên BRICS đoàn kết với nhau bởi mong muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát – chẳng hạn như đóng băng dự trữ đồng USD của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), loại các ngân hàng Nga khỏi mạng lưới liên lạc liên ngân hàng quốc tế SWIFT, và cấm nhập khẩu dầu từ Moscow – đã khơi dậy sự quan tâm của nhiều quốc gia mới nổi đối với quá trình “phi USD hóa”.
“Một số quốc gia chủ yếu tìm cách giảm việc sử dụng đồng USD trong nền kinh tế của họ như một lá chắn chống lại sự hỗn loạn tài chính quốc tế”, bà Zongyuan Zoe Liu, tác giả một nghiên cứu về chủ đề này của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn độc lập của Mỹ, cho biết. “Một số nước khác mong muốn thoát khỏi tính chất ngoài lãnh thổ của luật pháp Mỹ, vốn sử dụng đồng USD để áp đặt các biện pháp trừng phạt ở nước ngoài.
Minh Đức (Theo TASS, Le Monde)