SGGP
Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12) là thời điểm để suy ngẫm về những tiến bộ đáng chú ý đã đạt được trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS, đồng thời hỗ trợ những người sống chung với căn bệnh này.
“Hãy để cộng đồng dẫn dắt” là chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2023 |
Bất chấp những tiến bộ đáng kể trong những năm qua, có một hiện tượng đáng lưu tâm là nhận thức của giới trẻ đối với căn bệnh này đã trở nên lơ là. Tại Thái Lan, theo số liệu từ Cục Kiểm soát dịch bệnh, gần một nửa trong số hơn 9.000 ca nhiễm HIV mới ở Thái Lan mỗi năm là những người trong độ tuổi 15-24. Theo Tiến sĩ Suchada Jiamsiri, Trưởng phòng Phòng chống AIDS và Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs), Cục Kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế công cộng, tỷ lệ này cho thấy giới trẻ ít quan tâm đến dịch bệnh và phớt lờ việc sử dụng các biện pháp tình dục an toàn khiến cho nhiễm trùng ở nhóm tuổi này tăng trong những năm qua.
Theo báo Bangkok Post ngày 1-12, hiện có 561.578 người nhiễm HIV ở Thái Lan trong bối cảnh chính phủ đã tham gia cam kết toàn cầu nhằm chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030, với mục tiêu Thái Lan giảm số ca nhiễm mới xuống dưới 1.000 ca/ năm, từ mức 9.230 ca/năm hiện nay và số ca tử vong liên quan đến HIV/ AIDS sẽ ở mức dưới 4.000 ca/năm, từ mức 10.970 ca/năm hiện nay. Trong khi đó, ngân sách nhà nước dành cho quản lý HIV/AIDS đã giảm do quan niệm căn bệnh này không còn là vấn đề lớn như trước nữa. Nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ các dự án địa phương phòng chống HIV/AIDS cũng giảm vì lý do tương tự, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Ngay tại nước Mỹ giàu có, ngân sách tài trợ cho các chương trình HIV/ AIDS cũng đang được đề xuất cắt giảm 767 triệu USD. Tờ Baltimore Sun dẫn lời Tiến sĩ Allison Agwu, Chủ tịch Hiệp hội Y học HIV và là giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở người lớn và trẻ em tại Trường Y thuộc Đại học Johns Hopkins, nhận định, nước Mỹ đang ở một ngã tư nguy hiểm có thể làm chệch hướng tiến bộ hàng thập kỷ trong việc ứng phó với HIV trên khắp đất nước. Nếu những khoản tài trợ tiếp tục bị cắt giảm, mọi tiến bộ đạt được trong việc chống lại HIV ở đất nước này sẽ bị xói mòn và đảo ngược.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS – một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng – vào năm 2030, đòi hỏi phải có những cam kết bền vững. Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống HIV/ AIDS năm 2023 là “Hãy để cộng đồng dẫn dắt”. Có nghĩa là, việc hoàn thành mục tiêu xóa sổ HIV/AIDS vào năm 2030 sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của cộng đồng trong đầu tư các biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Nhưng cộng đồng cần thêm sự hỗ trợ, bao gồm cả nguồn tài trợ từ các cơ quan hữu quan. Thông điệp của Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc lập kế hoạch, cung cấp dịch vụ và vận động chính sách. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu các nhà hoạch định chính sách đầu tư đầy đủ vào hoạt động ứng phó do cộng đồng lãnh đạo, các ngành cùng hợp tác để hỗ trợ và sửa đổi chính sách cũng như quy định, hiện đang cản trở hoạt động của các tổ chức cộng đồng.
Trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm còn ẩn chứa nhiều diễn biến bất ngờ, cộng đồng sẽ là cơ sở hạ tầng quan trọng và chiến lược chính để hỗ trợ mục tiêu này.