Ngày 16.2, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chủ trì cuộc họp triển khai các giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn, sạt lở, triều cường đang xảy ra trên địa bàn tỉnh này.
Độ mặn trên các tuyến sông chính tăng cao
Tại cuộc họp, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết độ mặn trên các tuyến sông chính chảy qua địa bàn tỉnh tăng cao từ nhiều ngày qua và kết hợp với triều cường nên nước mặn lấn sâu vào kênh, mương nội đồng, khiến đời sống, sản xuất của người dân bắt đầu gặp nhiều khó khăn.
Dẫn số liệu quan trắc của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre từ ngày 11.2 đến nay, ông Đảnh cho biết, tại trạm Giao Hòa trên sông Cửa Đại (H.Châu Thành), độ mặn cao nhất là 6,30‰; tại trạm Mỹ Hóa trên sông Hàm Luông (TP.Bến Tre), độ mặn cao nhất 5,30‰; tại trạm Vàm Thơm trên sông Cổ Chiên (H.Mỏ Cày Nam), độ mặn cao nhất 4,9‰; tại trạm Vàm Mơn trên sông Cổ Chiên (H.Chợ Lách) độ mặn dao động từ 0,3 – 0,5‰; độ mặn 0,1‰ đã đến địa bàn xã Vĩnh Bình, H.Chợ Lách.
Kết quả này cho thấy, nước mặn đã xâm nhập đến hầu hết các xã trên bàn tỉnh Bến Tre, trừ xã Phú Phụng, H.Chợ Lách và một vài xã đầu nguồn trên địa bàn H.Châu Thành.
Hiện nay, ngoại trừ hệ thống nước máy của Công ty CP cấp thoát nước Bến Tre vẫn ổn định (do nguồn nước thô lấy từ đập Cái Cỏ chưa bị nhiễm mặn) và 10 nhà máy nước nông thôn (nhờ công trình thủy lợi nên chưa bị nhiễm mặn), thì hầu hết các nhà máy nước còn lại đều cấp nước cho dân có độ mặn tương đương độ mặn nước sông.
Cụ thể, tại 2 huyện Bình Đại, Ba Tri, độ mặn nước máy dao động từ 0,1 – 3,1‰; khu vực H.Thạnh Phú 0,3 – 2‰; H.Mỏ Cày Nam 0,2 – 3‰; H.Giồng Trôm 0,1-1,9‰; H.Mỏ Cày Bắc 0,1-2,7‰ và H.Châu Thành dao động 0,1- 0,7‰.
Như vậy, hầu hết các nhà máy nước ở Bến Tre cấp nước cho người dân với độ mặn lớn hơn 0,5‰ (vượt quy chuẩn kỹ thuật QCĐP 01:2022/BTr của tỉnh Bến Tre).
Khẩn trương phòng chống xâm nhập mặn
Ông Trần Ngọc Tam cho rằng, với diễn biến xâm nhập mặn đầu mùa khô năm 2023 – 2024 như hiện nay thì khả năng xâm nhập mặn khắc nghiệt như 2 đợt thiên tai mùa khô 2015 – 2016 và 2019 – 2020 có thể diễn ra, thậm chí gay gắt hơn tại những tháng đỉnh mặn sắp tới.
Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở hỗ trợ người dân khắc phục để giảm thiểu thiệt hại tại các vụ sạt lở, lún ngập vườn cây ăn trái, ao cá… vừa xảy ra. Đồng thời, khẩn trương hơn nữa trong công tác triển khai các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn mà UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành trong kế hoạch cụ thể hồi tháng 9.2023.
Trong đó, phải thường xuyên thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý. Có kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước (có lịch vận hành hệ thống và thông báo đến người dân về lịch cấp nước qua hệ thống RO) trong trường hợp nước máy có độ mặn quá cao…
Đặc biệt, phải dự kiến cho việc thực hiện nhanh giải pháp “chuyên chở nước thô bằng sà lan về các nhà máy nước xử lý” tại một số nhà máy nước ở các xã Tân Hào, Lương Phú, Phước Long, Long Định, Bình Khánh Đông. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu chủ các nhà máy nước tư nhân trên địa bàn tỉnh sẵn sàng triển khai được giải pháp này. Yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh và các đơn vị thi công đắp đập tạm ngăn mặn nhanh chóng hoàn thành đúng lộ trình tại các dự án đã được phê duyệt.