Triển lãm cá nhân Lớp lang cảm xúc trưng bày 23 tác phẩm thai nghén và hoàn thành trong thời gian 6 năm, chất liệu sơn dầu trên vải của Sophie Trịnh, chủ yếu khai thác đề tài về phụ nữ.
Họa sĩ Sophie Trịnh bên một tác phẩm của mình. (Ảnh: Minh Châu) |
Đến từ Hạ Long, Sophie Trịnh không chỉ sở hữu tài năng hội họa mà còn có khả năng diễn xuất và làm người mẫu. Tuy nhiên, chính đam mê mãnh liệt với hội họa đã định hình con đường nghệ thuật của cô. Với tâm hồn lãng mạn, giàu cảm xúc, Sophie Trịnh đã dành nhiều năm để trau dồi kỹ năng hội họa và theo đuổi đam mê của mình.
Chia sẻ về Triển lãm, Sophie Trịnh cho biết: “Trong cuộc sống hiện đại, con người dường như đang đối diện với sự cô đơn và cảm xúc phức tạp hơn bao giờ hết. Tại Triển lãm Lớp lang cảm xúc lần này, tôi muốn gửi gắm một thông điệp của sự sẻ chia, khi đời sống hôm nay mỗi người đều mang trong lòng những nỗi niềm riêng nhưng đôi khi lại thật khó nói ra, con người ai cũng ẩn chứa những khao khát được thấu hiểu, yêu thương và quan tâm. Đây là những cảm xúc mãnh liệt nhưng lại thường bị kìm nén, không thể thổ lộ… Và tôi muốn truyền gửi những điều ấy trong tác phẩm của mình”.
Với Lớp lang cảm xúc, Sophie Trịnh không chỉ gửi gắm những nỗi niềm sâu kín, những khao khát yêu thương và sự cô đơn trong tâm hồn không chỉ của riêng mình mà những bản thể khác khi nhìn vào cũng thấy thấp thoáng bóng dáng, thân phận mình trong đó.
Sophie Trịnh cho biết, để tự nhìn được bản thân mình ở nhiều góc khác nhau cô có sự hỗ trợ của máy ảnh, điều mà những họa sĩ truyền thống ít khi sử dụng. (Ảnh: Minh Châu) |
Từng theo học Thạc sĩ tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, với tinh thần lao động nghệ thuật cần mẫn, nghiêm túc, có thể nói, Sophie Trịnh là một trong số ít họa sĩ nữ của Việt Nam tự họa về bản thân mình trong góc nhìn khỏa thân.
Sophie Trịnh cho biết, để tự nhìn được bản thân mình ở nhiều góc khác nhau cô có sự hỗ trợ của máy ảnh, điều mà những họa sĩ truyền thống ít khi sử dụng. Chính vì thế tranh của cô như là một người tự khách quan hóa cơ thể mình qua góc nhìn của một người khác, nhưng lại rất chủ quan trong việc đặt cảm xúc.
Còn với công chúng, bạn bè, đặc biệt là giới hội họa khi xem và biết tới những tác phẩm của Sophie Trịnh, chúng ta như thấu cảm với bút pháp thoáng đạt và màu sắc êm dịu, nữ tính. Ở đó, nữ họa sĩ đã dồn tâm diễn tả những gì thuộc về cảm nhận từ bên trong của mình, những khoảnh khắc lả lơi mơ hồ như trong một giấc mơ của vô thức.
Là một trong những người đầu tiên biết đến và theo dõi quá trình sáng tác các tác phẩm của Triển lãm Lớp lang cảm xúc, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ, Sophie Trịnh là một nữ họa sĩ tự vẽ về mình trong một trạng thái đam mê bản thân như yêu một người tình trong mộng, và có lẽ sự đam mê bản thân ấy nên Sophie Trịnh đã làm cho người xem như “chạm” được vào sự rung cảm của tác giả.
Ông nói: “Tranh của Sophie Trịnh kết hợp giữa ánh sáng của hiện thực và không gian ước lệ của trừu tượng, pha chút đường nét phóng túng của chủ nghĩa biểu hiện, để lại những mảng màu loang, những giọt màu rơi tự do và những nhát cọ buông thả.
Sophie Trịnh từng theo học Thạc sĩ tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Minh Châu) |
Sophie không phải là một họa sĩ muốn tiến đến điều gì đó mới mẻ sáng tạo đột phá, mà cô ấy muốn dùng ngôn ngữ hội họa và sự hòa trộn các trường phái để kể câu chuyện tự sự của cá nhân mình. Chính vì thế nên những bức tranh có sự nhẹ nhàng thân thiện và gần gũi, đồng thời với cách này nữ họa sĩ có thể có nhiều tiềm năng để khai thác và sáng tạo nhiều chủ đề và câu chuyện khác nhau”.
Với 23 tác phẩm của Lớp lang cảm xúc, người xem cứ đủng đỉnh, chậm rãi nhưng lại như bị mê hoặc trước gam màu hòa sắc, hòa quyện và nữ tính mà vẫn mang lại cảm giác sang trọng và lịch lãm. Bút pháp nhẹ nhàng nhưng tự do phóng khoáng có thể diễn tả lại được không gian của cảm xúc là những gì mà sau khi xem xong 23 tác phẩm, đọng lại dư ba trong lòng công chúng.
Triển lãm Lớp lang cảm xúc sẽ khai mạc vào ngày 25/8 và kéo dài tới 2/9 tại tầng 3 – Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hanh-trinh-nguoi-phu-nu-tim-lai-chinh-minh-qua-lop-lang-cam-xuc-283720.html