Cần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tác động vào nhận thức về bình đẳng giới và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực.
GS. TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, cần phải chung tay hành động vì bình đẳng giới. |
Tiến bộ và rào cản song hành
Nhận thức của xã hội Việt Nam về bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Từ số liệu này cho thấy, bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực tại Việt Nam. Những thay đổi cơ bản về nhận thức giới, giảm thiểu định kiến giới và thái độ tích cực với các vấn đề bình đẳng giới của xã hội Việt Nam góp phần tạo cơ sở để có sự thừa nhận, công nhận của thế giới.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một số biểu hiện nhận thức của xã hội Việt Nam về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại như tỷ lệ lao động nữ vẫn còn thấp, chất lượng lao động nữ chưa được đánh giá một cách nhất quán, định kiến giới về vị thế và vai trò của phụ nữ, cùng với gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc gia đình vẫn còn đó; nhận thức về việc học tập nâng cao trình độ và thực hiện vị trí ở một số nghề nhất định vẫn còn chưa thật khả quan. Rào cản này tồn tại trong nhận thức của một bộ phận nam giới và cả nữ giới.
Theo tôi, công tác thông tin, tuyên truyền về bình đẳng giới bị hạn chế đối với một số nhóm phụ nữ, nhất là nhóm yếu thế và có hạn chế nhất định về nhận thức xã hội. Năng lực phát hiện và xử lý vấn đề về bình đẳng giới đối với các cán bộ làm công tác truyền thông không đồng đều, bản chất công tác chưa thích ứng, lan tỏa đến với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Thực tế, bộ phận phụ nữ còn thái độ cam chịu và xem bạo lực giới là việc không may, không chủ động thay đổi cũng là một tồn tại trong xã hội Việt Nam. Cụ thể, trong một tọa đàm về giới, nhóm khảo sát của chúng tôi tiếp cận 120 phụ nữ lao động phổ thông, vẫn còn hơn một phần ba có lối tư duy này.
Cần chính sách phù hợp, thích ứng
Để có thể ngăn chặn hiệu quả hơn các hành vi bạo lực trên cơ sở giới cần có một chương trình hành động lớn. Cả thế giới vẫn đang tiếp tục ngăn chặn hành vi bạo lực trên cơ sở giới nên chúng ta cần hướng đến các dự án rộng nhưng có các chương trình thích ứng, phù hợp với Việt Nam.
Từ góc độ giáo dục, cần xem xét vấn đề này được truyền tải như thế nào ở chương trình giáo dục mầm non mới sau 2020 và rà soát lại vấn đề bình đẳng giới, giáo dục bình đẳng giới ở chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cần phải có hoạt động độc lập và được nghiên cứu một cách bài bản và khách quan, có minh chứng cụ thể.
Bên cạnh đó, cần triển khai giáo dục cộng đồng và định hướng hành vi ứng xử giới bởi hội, đoàn và các tổ chức có liên quan. Chú ý tiêu điểm bình đẳng giới từ nhận thức đến thái độ và hành động ở các cơ sở giáo dục, công sở và nhóm xã hội. Đây là vấn đề nên quan tâm hơn bởi cũng là một trong những tồn tại cần có giải pháp khắc phục cụ thể.
Bình đẳng giới nên nhìn từ cả hai phía. (Ảnh minh họa) |
Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức về bình đẳng giới và điều này cần thực hiện một cách hiệu quả. Thực ra, chúng ta cần tiếp cận, bình đẳng giới là đảm bảo sự công bằng tương đối cho từng giới cũng như mỗi giới trong thực tế và xuất phát từ nhận thức nghiêm túc, khách quan và có luận cứ.
Hiệu quả nhất vẫn là giáo dục tự nhiên, thực tiễn và nhất quán. Điều quan trọng là trong gia đình, khi cha mẹ tôn trọng nhau, thấu hiểu và công bằng với con cái có giới khác nhau. Hơn nữa, mỗi lời nói, thái độ hay hành động ứng xử cần bám sát các tiêu chí bình đẳng giới. Không thể đòi hỏi giáo dục bình đẳng giới khi chúng ta phân biệt giới ngay từ trong ngôi nhà của mình, sự kỳ thị ít nhiều xảy ra với con trai, con gái theo kiểu hợp hơn, cần hơn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới một cách linh hoạt và thường xuyên.
Ngày 9/4, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Điều này thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đồng thời, tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào việc điều hành của UN Women trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, ngày 25/1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030. Mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ định ngày 25/11 là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Nhằm gióng lên những hồi chuông cảnh báo, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế dang rộng cánh tay, chiến dịch mang tên “16 Ngày hành động chống bạo lực trên cơ sở giới” năm nay sẽ diễn ra từ ngày 25/11 đến Ngày nhân quyền quốc tế (10/12) tới. |
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hoà bình, an ninh quốc tế; Phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố, thảm họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; Tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ và phục hồi, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Những cơ sở pháp lý trên đủ để chúng ta có thể hành động tích cực vì bình đẳng giới. Điều quan trọng nhất là cần có tư duy hệ thống, thái độ kiên trì và quyết tâm bởi việc thay đổi tư duy nhóm, thái độ nhóm không thể quá ngắn hay quá nhanh.
Theo tôi, cần rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đáp ứng nhu cầu cụ thể và thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ. Tuy nhiên, ngay bản thân phụ nữ phải tự nhận thức và thay đổi tư duy về bình đẳng giới.
Tôi nghĩ, có thể trao quyền hay giao nhiệm vụ để một lãnh đạo nam dành thời gian và tâm huyết bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và tạo điều kiện cho họ phát triển cũng như thúc đẩy bình đẳng giới. Cũng có thể quan tâm đến vấn đề này từ góc độ làm chính sách cho phụ nữ bởi nhóm nam hay một lãnh đạo nam với vị trí, vai trò đủ sức thay đổi.
Tại nước ta, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp nên thay đổi tư duy và có chiến lược, kế hoạch hoạt động mà tiêu điểm bình đẳng giới phải áp dụng đủ vào các hành động cụ thể mới có kết quả tích cực.
Báo cáo của UN Women và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) ước tính, năm 2022, gần 89.000 phụ nữ, trẻ em gái bị sát hại, con số cao nhất từng được ghi nhận trong 20 năm trở về trước. Hơn một nửa trong số những nạn nhân bị chính bạn đời, người thân trong gia đình giết hại. Những con số thương tâm vẫn gia tăng trong năm 2023 cho thấy thực tế đáng lo ngại rằng, nhà cũng không phải là nơi an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Những đối tượng dễ bị tổn thương này còn phải đối mặt nguy hiểm tại nơi làm việc và trên không gian mạng. Các cuộc khủng hoảng đan xen, như suy thoái kinh tế, dịch bệnh, xung đột và biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trên thế giới. Những con số đáng báo động nêu trên thực tế có lẽ còn cao hơn. Các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa được báo cáo đầy đủ bởi sự cam chịu của nạn nhân vì sợ hãi và xấu hổ, cũng như sự vô tâm của người xung quanh. |