Ngày 11-12, trong cuộc tọa đàm do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Hòa Lạc, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia Jensen Huang bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam.
Ông Jensen Huang cho biết đã hứa với Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam, biến Việt Nam thành “quê hương thứ 2” của Nvidia. Điều thú vị là ngay trước đó, khi đi tham quan NIC Hòa Lạc, tỷ phú công nghệ đã viết lên tấm bảng ở sảnh NIC một cách đầy hứng khởi có nội dung: “Việt Nam thật đẹp, một đất nước kỳ diệu với những con người tuyệt vời. Tôi nhất định sẽ quay lại để xây dựng ngôi nhà tương lai của Nvidia”.
Theo đánh giá của ông Jensen Huang, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng để đảm bảo tương lai hợp tác tốt đẹp ở Việt Nam, vẫn cần thêm nhiều yếu tố. Theo đó, Việt Nam cơ bản đã có nền giáo dục và hạ tầng tương đối tốt, đặc biệt là đã có kho “tài sản số” ngôn ngữ, văn hóa… phong phú.
Song, để phát triển AI, Việt Nam cần xây dựng hệ thống hạ tầng chuyên biệt, bao gồm những siêu máy tính. Đội ngũ kỹ sư phần mềm cũng rất cần được đào tạo chuyên sâu và có sự cộng hưởng sáng tạo trong môi trường sinh thái công nghệ. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và AI. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn sẽ ban hành đầu năm 2024. Theo đó, Việt Nam sẽ đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư cho ngành đến năm 2030, trong đó dự kiến có 15.000 kỹ sư chất lượng cao trong thiết kế vi mạch.
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án bán dẫn, AI. Nghị định này dự kiến ban hành giữa năm 2024. Tuy nhiên, chặng đường hiện thực hóa tất cả những chính sách này còn dài và gập ghềnh. Những yếu tố mà lãnh đạo Tập đoàn Nvidia đã nêu, như trang bị những thiết bị hiện đại bậc nhất, đồng thời nâng cao kỹ năng và tiến tới xây dựng đội ngũ 1 triệu chuyên gia AI… rõ ràng là mục tiêu đầy thách thức và khó có thể hoàn thành nếu không có sự nỗ lực vượt bậc của các cơ quan quản lý, hệ thống giáo dục đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp; cũng như sự hỗ trợ từ chính Nvidia và các “ông lớn” công nghệ khác.
Làn sóng mới, đúng như ông Jensen Huang nhận định, là rất lớn, hơn bất kỳ một làn sóng nào, nhưng đến và đi cũng rất nhanh. Như AI, chỉ sau 1 năm, từ chỗ chưa là gì, đã xuất hiện trong câu chuyện của mọi người trên thế giới. Việt Nam, nếu không muốn để lỡ cơ hội này, phải hành động rất nhanh.
ANH PHƯƠNG