Tuy nhiên, hiện phần lớn trong số đó vẫn đang “mắc kẹt” trong tài khoản của các chủ rừng vì vướng hai quy định trong nghị định 107.
Những chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp là những đơn vị gặp vướng mắc nhiều nhất trong số này. Đây lại là những chủ rừng đang quản lý diện tích rừng tự nhiên cực lớn trên địa bàn.
Tiền về cũng như không
Công ty lâm công nghiệp Long Đại là một trong những đơn vị có diện tích rừng lớn nhất tại Quảng Bình được chi trả tiền tín chỉ carbon hồi đầu năm nay. Với diện tích quản lý hơn 57.000 ha rừng tự nhiên, trong hai năm 2023, 2024 đơn vị này đã nhận được tổng cộng 21 tỉ đồng tiền tín chỉ carbon từ Ngân hàng Thế giới.
Toàn bộ số tiền này đã được chuyển về tài khoản của đơn vị từ hơn nửa năm nay. Tuy nhiên, đến hiện tại đơn vị vẫn chưa thể thực hiện việc chi trả đúng mục đích.
Theo lãnh đạo Công ty Long Đại, số tiền này dự kiến sẽ được sử dụng để chi trả các khoản chi phí quản lý hoạt động khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng có tham gia thỏa thuận quản lý rừng, hỗ trợ UBND xã tham gia thỏa thuận quản lý rừng (mức 2% mỗi xã), thực hiện các biện pháp lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng, hỗ trợ tuyên truyền tập huấn…
Tuy nhiên, vì vướng quy định của nghị định 107 nên tất cả các kế hoạch đó phải tạm “đóng băng”.
Theo tìm hiểu, nghị định số 107/2022/NĐ-CP ban hành ngày 28-12-2022 của Chính phủ về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Trong đó có quy định “không chi chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước”. Đây chính là “điểm nghẽn” lớn nhất dẫn tới nhiều đơn vị nhận được tiền chi trả tín chỉ carbon về tài khoản nhưng không thể giải ngân.
Lãnh đạo một doanh nghiệp quản lý rừng ở Quảng Bình giải thích hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước theo các chính sách hiện hành thông qua các chương trình, dự án.
“Vì vậy nếu chi thêm khoản tiền từ tín chỉ carbon thì sẽ thành chi chồng chéo, chi trùng lặp, sẽ vi phạm nghị định 107”, lãnh đạo công ty này nói.
Đã kiến nghị nhiều lần, nhưng…
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có 11.411 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 23 chủ rừng là tổ chức và 71 UBND cấp xã trong diện được chi trả tiền tín chỉ carbon.
Trong đó, chỉ có chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các UBND cấp xã là khá thuận lợi trong việc nhận chi trả tiền tín chỉ carbon.
Còn các chủ rừng là tổ chức thì chỉ có số ít đơn vị quản lý rừng đặc dụng và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là thuận lợi, còn lại các chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp thì hoàn toàn phải “đóng băng” khoản tiền này. Con số này lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Tại Quảng Trị, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh cũng cho biết đã nhận về 50 tỉ đồng tiền chi trả tín chỉ carbon nhưng đang “mắc kẹt” bởi nghị định 107 với các nhóm chủ rừng tương tự.
“Hiện mức trần chi trả bảo vệ rừng theo quy định mới nhất lên đến 800.000 đồng một hecta. Nhưng thực tế mức chi trả của các chương trình bảo vệ rừng khác cũng hưởng từ ngân sách nhà nước hiện mới ở mức 300.000 đồng một hecta.
Tức người bảo vệ rừng vẫn “trống” so với mức trần hơn một nửa định mức. Nếu tính khoản chi trả từ tín chỉ carbon để bù vào khoảng trống đó thì sẽ nâng cao được trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng”, lãnh đạo sở này nói.
Ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, nói tỉnh Quảng Bình có tiềm năng lớn trong khai thác tín chỉ carbon vì độ che phủ rừng lớn thứ hai cả nước. Tỉnh cũng đang có định hướng phát triển đa dạng rừng để khai thác giá trị tín chỉ carbon. Nhưng những vướng mắc của nghị định 107 là “điểm nghẽn” khiến việc này gặp nhiều trở ngại.
Theo ông Tuấn, tỉnh Quảng Bình đã có kiến nghị với Bộ NN&PTNT để tháo gỡ những quy định gây ra vướng mắc này. Tuy nhiên, cho đến nay bộ này vẫn chưa có động thái tháo gỡ.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Trị cũng cho biết một số quy định của nghị định 107 đang tạo ra lực cản lớn với việc phát triển rừng theo hướng khai thác tín chỉ carbon.
“Chúng tôi cũng đã kiến nghị gửi Bộ NN&PTNT và rất mong các cơ quan cấp trên có giải pháp tháo gỡ để việc khai thác tín chỉ carbon mang lại hiệu quả tốt nhất”, lãnh đạo sở này nói.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, trong nghị định 107, ngoài vướng mắc về quy định cấm chi trả chồng chéo còn có thêm vướng mắc về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng.
Cụ thể, tại khoản 2 điều 5 của nghị định quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư, trong khi diện tích rừng tự nhiên giao cho các tổ chức quản lý chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt – Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống.
Do vậy, nhiều chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-tram-ti-dong-tin-chi-carbon-mac-ket-20240903224109837.htm