Chiến sự Nga-Ukraine đã thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Đức, khi các nước tìm cách tái vũ trang.
Công ty Rheinmetall cho biết, các nhà máy ở Ukraine – vốn đang bị thiếu hụt đạn dược khi Nga đang giành được lợi thế trên chiến trường – sẽ sản xuất đạn pháo, xe quân sự, thuốc súng và vũ khí phòng không.
“Ukraine hiện là đối tác quan trọng đối với chúng tôi, nơi chúng tôi nhận thấy tiềm năng đạt từ 2-3 tỷ euro doanh thu mỗi năm”, Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger cho biết tại buổi trình bày kết quả năm 2023 của công ty.
Tập đoàn có trụ sở tại Duesseldorf, vốn chuyên sản xuất các bộ phận của xe tăng Leopard mà Berlin có thể nhất trí gửi đến Ukraine sau nhiều do dự, đã báo cáo doanh thu kỷ lục 7,2 tỷ euro vào năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu đạt 10 tỷ euro vào năm 2024. Cổ phiếu của công ty đã tăng 5% sau khi báo cáo doanh thu được công bố.
Nhà sản xuất thiết bị quân sự lớn nhất của Đức hồi tháng 2 đã công bố thỏa thuận với một công ty Ukraine để sản xuất đạn pháo ở quốc gia này. Lễ động thổ nhà máy sẽ sớm diễn ra ở một địa điểm không được tiết lộ và mô phỏng theo nhà máy sản xuất đạn dược mà Rheinmetall đang xây dựng ở Đức.
Rheinmetall đã điều hành một liên doanh ở Ukraine để sửa chữa xe quân sự. Công ty cũng sẽ xây dựng một nhà máy ở Lithuania, nơi Đức có kế hoạch triển khai thường xuyên một đơn vị quân đội cỡ lữ đoàn để giúp bảo vệ sườn phía đông của NATO.
Rheinmetall còn đang có kế hoạch tăng cường sản xuất đạn pháo, trong bối cảnh các đồng minh châu Âu của Ukraine đang nỗ lực tăng sản lượng để có thể cung cấp thêm đạn dược cho Kiev.