Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, từ 19h, các tuyến đường đổ về công viên 9 Nàng Tiên và quảng trường Tao Đàn Chiêu Anh Các đã có hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
TP Hà Tiên tổ chức nhiều hoạt động phục vụ du khách. Dọc tuyến đường tại công viên Trần Hầu là khu vực triển lãm gần 200 bức ảnh về Hà Tiên xưa và nay, thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của TP Hà Tiên; đường sách ở Tao Đàn Chiêu Anh Các, độc giả biết thêm nhiều thể loại sách.
Tuyến đường dành cho du khách thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương. Cùng với đó, tại công viên Trần Hầu diễn ra hoạt động viết chữ thư pháp của phố ông đồ, với chủ đề “Phố ông đồ nét phương Nam” với sự tham gia của 9 ông đồ từ các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Chín – chủ tịch UBND TP Hà Tiên – thông tin, cách nay 288 năm, vào ngày rằm tháng giêng mùa xuân năm Bính Thìn (1736), Tổng binh Đô đốc Trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích đã mở hội hoa đăng thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các.
Tao đàn được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học đánh giá là tao đàn lớn thứ hai trong cả nước lúc bấy giờ, là nơi khai mở nền văn học Hà Tiên phát triển rực rỡ với những áng văn chương một thời lừng danh. Từ đó, Hà Tiên được xem như là một trong những chiếc nôi của nền văn học miền Nam.
Lễ hội “kỷ niệm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các” nhằm nhắc nhở, động viên nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, của dân tộc Việt Nam.
“Hà Tiên mong muốn tiếp tục giới thiệu những hình ảnh, nét đặc trưng, truyền thống lịch sử – văn hóa của đất nước – con người Hà Tiên đến với du khách gần xa.
Lễ hội còn là dịp để các nhà đầu tư gặp gỡ, giao lưu và tìm kiếm cơ hội cho mình và cùng với địa phương khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này”, ông Chín nói.