Hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển tiếp tục tăng, áp lực cho cơ quan hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại cảng.
Theo số liệu cập nhật đến đầu tháng 2 của Cục Hải quan TP.HCM, lượng hàng hóa tồn tại cảng biển và các kho hàng sân bay tăng mạnh. Cụ thể, riêng trong tháng đầu năm nay, lượng container tồn tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tăng gần 50% so với tháng cuối năm, từ 825 container lên 1.227 container. Tương tự, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, số lượng hàng tồn đọng quá 30 ngày và 60 ngày trong tháng 12.2023 là 123 dòng hàng, với trên 32,6 tấn, sang tháng đầu năm nay, số lượng hàng tồn đọng tăng lên 134 dòng hàng, với trên 67,6 tấn, tăng hơn gấp hai lần so với tháng 12.
Đáng lưu ý, hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển khu vực TP.HCM tính đến cuối tháng 12.2023 là 5.092 container. Trong đó, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tồn đọng 4.784 container; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 tồn 211 container; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 tồn 56 container và 15 dòng hàng lẻ; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước 41 container. Sang tháng 1.2024, số lượng hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển này giảm còn 4.845 container. Tuy vậy, đây vẫn là con số container hàng tồn khá lớn trong hoạt động kinh doanh tại cảng.
Ngoài ra, cũng theo Cục Hải quan TP.HCM, lượng hàng tồn quá 90 ngày tại cửa khẩu đường hàng không có tới 2.038 dòng hàng, với gần 470.000 kg. Trong đó, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gần 1.700 dòng hàng, với trên 467 tấn; Chi cục Hải quan cửa khẩu Chuyển phát nhanh tồn 348 dòng hàng, với gần 2 tấn. Sang tháng 1, lượng hàng tồn quá 90 ngày qua đường hàng không tăng lên 2.060 dòng hàng, với trên 477 tấn, tăng 22 dòng hàng, với gần 10 tấn hàng.
Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho hay, trong nhiều năm qua, đơn vị đã rất tích cực trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng. Tuy vậy, việc này không chỉ có cơ quan hải quan mà liên quan đến nhiều đơn vị khác, quy trình xử lý, bán đấu giá… phải qua nhiều khâu.
Để xử lý hàng tồn đọng hiệu quả, đại diện Cục Hải quan TP.HCM nhấn mạnh, cần có sự phối hợp thực hiện của các hãng tàu theo quy định tại Nghị định 169/2016 của Chính phủ. Trong đó, có các quy định việc lưu giữ và thực hiện giám định, xác định giá trị hàng hóa để bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam. Trong thực tế, việc phối hợp xử lý hàng tồn đọng do các doanh nghiệp vận chuyển chưa hiệu quả, vừa tạo áp lực cho cơ quan quản lý, vừa gây khó cho các doanh nghiệp trong việc phải lưu container trong thời gian dài.
Theo quy định tại khoản 3 điều 8 Thông tư 203/2014 của Bộ Tài chính, thời hạn để người đến nhận hàng là 60 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu… Nếu quá thời gian trên, các tổ chức, cá nhân không đến làm thủ tục hải quan nhận hàng, cơ quan hải quan sẽ thực hiện xử lý các lô hàng theo quy định. Hoặc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu.