Hàng hóa hóa ùn ứ, xe container nằm xếp hàng ở bãi trong khi tài xế lái xe có bằng lái FC thiếu hụt. Nhiều doanh nghiệp phải bán bớt xe, không dám nhận thêm hàng vì không tuyển được tài xế là thực trạng phổ biến, nhất là ở TP.HCM.
Bán bớt xe vì không đủ tài xế
Đại diện một doanh nghiệp tại quận 7, TP.HCM cho biết, ông có khoảng 60 xe container nhưng vì không đủ tài xế, ông buộc phải bán bớt và đến nay chỉ còn 25 chiếc. Dù vậy, công suất chạy vẫn chưa đạt yêu cầu vì không có tài xế.
Theo chủ doanh nghiệp này, có rất nhiều nguyên nhân khiến việc tìm tài xế có bằng FC khó khăn. Lương lái xe hiện trung bình khoảng 20 triệu/tháng nhưng phải đi xa, cường độ làm việc, mức độ nguy hiểm cao.
Khi có lỗi vi phạm, việc xử phạt cũng rất nặng, kèm theo bị tạm giữ GPLX nhiều tháng. Do đó, nhiều tài xế chuyển qua lái xe công nghệ hoặc làm lĩnh vực khác.
Sau đại dịch Covid-19, việc dịch chuyển lao động từ TP.HCM về các địa phương khác cũng khiến lao động lái xe tại TP giảm sút mạnh.
“Tài xế khan hiếm, việc thi lấy bằng FC cũng rất khắt khe nên càng khan hiếm hơn. Chúng tôi đăng tuyển dụng và tìm kiếm từ nhiều nguồn khác nhau nhưng đều khó”, chủ doanh nghiệp này nói.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp khác chia sẻ, hầu như công ty vận tải nào cũng gặp khó trong việc tuyển dụng tài xế xe có bằng lái FC.
Trước đây, doanh nghiệp sẽ phỏng vấn tài xế, nhưng giờ ngược lại, tài xế khi đến doanh nghiệp, đầu tiên là hỏi lương, chế độ ra sao. Sau đó ra xem xe thế nào, nếu xe cũ, các chế độ không hợp lý là bỏ đi ngay.
“Tài xế bằng lái FC hiện nay rất có giá. Nếu đăng tin tuyển tìm tài xế cho các loại xe container cũ là không tài xế nào vào. Ngay cả khi tuyển lái xe mới, hàng hóa nhẹ, điều kiện làm việc tốt hơn, cơ hội tìm được tài xế vẫn rất mong manh”, vị đại diện nói.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết: “Hiệp hội có khoảng 130 doanh nghiệp vận tải, hầu như đơn vị nào cũng thiếu tài xế lái xe có bằng FC từ 20 – 50%. Tình trạng có hàng hóa, có xe, có tiền nhưng không có lái xe rất phổ biến”.
Có nên nới điều kiện?
Theo quy định, tính đến ngày dự sát hạch lái, người thi bằng lái xe hạng FC phải từ đủ 24 tuổi trở lên. Về tiêu chuẩn thời gian lái xe, tài xế phải có thời gian hành nghề từ 3 năm trở lên và 50.000km lái xe an toàn trở lên.
Trường hợp vi phạm giao thông mà bị tước quyền sử dụng bằng lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt.
Tình trạng thiều bằng FC một phần do nhiều tài xế không mặn mà với nghề cực nhọc này. Điều kiện làm việc khắc nghiệt, hệ số rủi ro cao, tuổi nghề ngắn, lại thường xuyên phải xa nhà, một số doanh nghiệp vận tải trốn tránh việc ký hợp đồng dài hạn, chi trả bảo hiểm cho lái xe… là những lý do khiến người lái xe dù đã có bằng C, D, E ít có nhu cầu học chuyển đổi, nâng bằng.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lái xe có bằng FC, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị Cục Đường bộ VN nới lỏng điều kiện thâm niên lái xe từ 3 năm xuống mức 1 năm và tổng số km lái xe an toàn là 50.000km để tạo điều kiện cho lái xe có thể nhanh chóng thi lấy bằng FC.
Ông Bùi Văn Quản cho rằng, việc phải chờ thêm 3 năm hoặc đủ 24 tuổi để nâng hạng bằng lái đã gây nhiều khó khăn, làm giảm nguồn cung tài xế mới. Trong khi đó, các tài xế vẫn phải vượt qua bài thi lý thuyết và sát hạch kỹ năng.
Tuy nhiên, GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT cho rằng, dù đang thiếu lái xe nhưng không nên hạ các điều kiện để cấp bằng mà cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo ông Sùa, vận tải hàng hóa bằng container, xe sơ-mi, rơ-moóc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao nếu lái xe không đủ kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết. Vì vậy, điều kiện cấp bằng lái xe ô tô hạng FC cần phải nghiêm ngặt, khắt khe hơn so với các hạng lái xe khác.
“Để khắc phục tình trạng thiếu hụt, các doanh nghiệp vận tải cần phải cải thiện các chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, chính sách bảo hiểm nhằm tạo sự an tâm cho lái xe khi ký hợp đồng.
Doanh nghiệp cũng cần tuyển người có tiềm năng về để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu. Khi thu hút và sử dụng tài xế theo cách này, tấm bằng FC sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhu cầu đào tạo sẽ tăng”, ông Sùa nói.
Nghịch lý thừa vẫn thiếu
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, số lượng bằng lái xe FC hiện nay gấp đôi số phương tiện xe container, đầu kéo.
“Cụ thể, cả nước hiện có hơn 162.000 GPXL hạng FC đang lưu hành, trong khi số phương tiện chỉ chiếm một nửa. Riêng TP.HCM có trên 18 nghìn xe đầu kéo và có trên 46 nghìn GPLX, tỷ lệ GPLX/phương tiện là 2,5. Số lượng GPLX so với số xe thì không phải thiếu”, ông Thống nói.
Theo ông Thống, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo sát hạch và cấp bằng hạng FC cho người dân có nhu cầu.
Việc thiếu lái xe có nguyên nhân từ việc người học không muốn học lái xe hạng này hoặc người có bằng FC nhưng chuyển qua làm nghề khác. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến lái xe không mặn mà.
Nói về đề xuất giảm thâm niên từ 3 năm hiện nay xuống còn 1 năm để tháo gỡ về tài xế cho doanh nghiệp, ông Thống đánh giá, để đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông cần thiết phải duy trì quy định thâm niên lái xe 3 năm đối với bằng FC.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-do-mat-tim-tai-xe-bang-fc-192241202233159827.htm