Vào tháng 7, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc (MSIT) công bố ra mắt 6G Society, một sáng kiến mới nhằm tăng cường trao đổi công nghệ và hợp tác giữa các ngành công nghiệp liên lạc vệ tinh và di động 6G.

ixtnmy8h.png
Hàn Quốc đã và đang đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy 6G. Ảnh: Neowin

MSIT nhấn mạnh: “Sự kết hợp tự nhiên giữa liên lạc vệ tinh và di động mặt đất là chìa khóa để đạt được các dịch vụ liên lạc siêu không gian kết nối đất liền, biển và trên không”. Thông qua hợp tác liên tục giữa hai ngành từ giai đoạn đầu, MSIT đặt mục tiêu phát triển truyền thông không dây 6G với khả năng kết nối siêu cao, độ trễ cực thấp và siêu không gian.

Khi liên lạc vệ tinh đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với 6G, sáng kiến mới sẽ chia sẻ các xu hướng tiêu chuẩn hóa giữa truyền thông di động và vệ tinh, đồng thời thúc đẩy các cuộc thảo luận về phát triển công nghệ và phương tiện kết nối các công nghệ liên quan.

Theo ông Jae Myeong, Phó Giám đốc Văn phòng Chính sách Mạng của MSIT, ngành, học viện, tổ chức và chính phủ cần làm việc cùng nhau để nhanh chóng thiết lập các tiêu chuẩn cho 6G và đảm bảo công nghệ được thương mại hóa nhanh chóng. Bộ sẽ mang đến diễn đàn hợp tác giữa truyền thông di động và vệ tinh mặt đất, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và phản ánh chúng trong chính sách.

Vào tháng 11/2023, MSIT công bố kế hoạch R&D trị giá 440,4 tỷ won cho các mạng 6G trong tương lai. Kế hoạch bao gồm phát triển các công nghệ liên quan đến truyền thông không dây, mạng lõi di động, mạng dây 6G, hệ thống 6G và tiêu chuẩn hóa 6G.

Tháng 2/2023, MSIT cho biết Hàn Quốc có kế hoạch ra mắt dịch vụ 6G vào năm 2028, sớm hơn hai năm so với lịch trình ban đầu, thông qua việc phát triển các công nghệ 6G đẳng cấp thế giới, đổi mới mạng di động thế hệ tiếp theo dựa trên phần mềm và tăng cường chuỗi cung ứng mạng. Đồng thời, chính phủ cũng sẽ khuyến khích các công ty địa phương sản xuất vật liệu, phụ tùng và thiết bị cho công nghệ 6G trong nước và phát triển Open RAN.

Theo MSIT, việc đẩy sớm hai năm so với kế hoạch nhằm giúp Hàn Quốc duy trì vị trí hàng đầu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về cơ sở hạ tầng mạng trong tương lai, sau cuộc đua mạng 5G, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn trong truyền thông không dây.

Theo hãng phân tích IPlytics của Đức, Hàn Quốc dẫn đầu công nghệ 5G với số lượng bằng sáng chế 5G cao, trong khi 4G chủ yếu bị các công ty Mỹ và châu Âu chi phối. Năm 2022, số lượng bằng sáng chế 5G của nước này chiếm 25,9% toàn cầu, đứng sau Trung Quốc (26,8%). Chính phủ Hàn Quốc muốn nâng con số lên hơn 30% đối với mạng 6G.

(Theo Telegraphic, Yonhap)