Với vị trí địa lý thuận lợi cũng như đang nắm giữ nhiều cơ hội phát triển kinh tế, do vậy Hàm Tân sẽ tận dụng và tập trung nguồn lực để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện…
Chỉ cách TP. Phan Thiết khoảng 50 km, nhưng Hàm Tân lại có vị trí địa lý giáp Xuân Lộc (Đồng Nai) và Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) nên thuận lợi trong giao thương với các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đi qua địa bàn Hàm Tân có các tuyến quốc lộ (1A, 55), cao tốc đoạn Dầu Giây – Phan Thiết… được xem là cửa ngõ phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận kết nối với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Thêm nữa Hàm Tân còn sở hữu đường bờ biển dài 22 km, diện tích đất nông nghiệp gần 50.000 ha (trong đó đất sản xuất khoảng 43.530 ha) và hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Đó cũng là tiềm năng, lợi thế giúp thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn huyện.
Đặc biệt tại Hàm Tân có 3 dự án khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch, bao gồm: KCN Sơn Mỹ I đã khởi công, KCN Tân Đức trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, KCN Sơn Mỹ II hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ (ước tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng) cũng đang đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư. Với loạt dự án KCN quy mô và sức hút đầu tư các cụm công nghiệp, Hàm Tân hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất của tỉnh Bình Thuận trong tương lai gần.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tế cho thấy bức tranh kinh tế hiện nay của Hàm Tân vẫn chưa sáng màu như kỳ vọng. Nói về những khó khăn và hạn chế, lãnh đạo địa phương cũng thừa nhận thời gian qua việc triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp hay như công tác bồi thường giải tỏa một số công trình còn chậm. Đối với các dự án du lịch đăng ký đầu tư trên địa bàn thì hầu hết chưa có tác động, thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2023 ước chỉ đạt hơn 130 tỷ đồng (bằng 57% so cùng kỳ năm ngoái)…
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng có chuyến thăm, làm việc tại Hàm Tân và đã ghi nhận những nỗ lực của huyện nhà trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn chung. Qua đây đề nghị địa phương tập trung phân tích kỹ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục kịp thời mặt tồn tại, hạn chế trong thời gian tới. Như cần chủ động phối hợp các sở ngành hỗ trợ, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư công nghiệp (nhất là trong giải phóng mặt bằng), từ đó tạo động lực phát triển cho huyện và tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh cũng gợi ý trong lĩnh vực nông nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất truyền thống lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường. Vì vậy địa phương kịp thời rà soát, đánh giá lại điều kiện về đất đai, nguồn nước, khí hậu để định hướng, tái cơ cấu phát triển những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, có thị trường tiêu thụ cũng như khả năng cạnh tranh. Trong đó, tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái, cây công nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện của huyện như: Nhãn xuồng, quýt đường, thanh long, điều, cao su… Trên lĩnh vực du lịch thì chủ động làm việc với chủ đầu tư các dự án chậm triển khai, tích cực phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhất là những trường hợp đã có mặt bằng sạch.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế đang nắm giữ, thế nên tới đây Hàm Tân sẽ tận dụng tốt thời cơ để phấn đấu đưa kinh tế huyện nhà (tập trung ở 3 lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp) phát triển mang tính đột phá…