(HQ Online) – Quản lý địa bàn có đường biên giới dài gần 100 km, với nhiều mặt hàng XNK đặc thù, Cục Hải quan An Giang đã có những giải pháp vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng này.
Hải quan An Giang kiểm tra thóc nhập khẩu. Ảnh: T.H |
Gỡ vướng cho cát nhập khẩu
Đầu năm 2024, Thông tư số 04/2023/TT-BXD ngày 30/6/2023 của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có hiệu lực thi hành (gọi tắt là Thông tư 04), nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc về thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng cát nhập khẩu, khiến nhiều lô hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu. Lãnh đạo Cục Hải quan An Giang đã nhanh chóng vào cuộc, gỡ vướng cho doanh nghiệp.
Theo ông Lưu Tuấn Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, tại danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng tại Thông tư 04 có quy định mặt hàng cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa, mã số HS 2505.10.00 thuộc diện phải kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, qua rà soát Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022 của Bộ Tài chính, cát nhập khẩu chỉ có hai loại: một là “cát oxit silic và cát thạch anh” mã HS 2505.10.00, hai là “loại khác” mã HS 2505.90.00. Như vậy, cùng một mã số 2505.10.00 nhưng về tên hàng trên Thông tư 04 và trên Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam không thống nhất với nhau.
Trên thực tế từ trước ngày 5/1/2024, doanh nghiệp nhập khẩu cát sông tự nhiên của Campuchia khi làm thủ tục đều khai báo mã số 2505.90.00, Sở Xây dựng tỉnh An giang cũng đồng ý mã số này và đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, đến ngày 9/1/2024, Sở Xây dựng tỉnh An Giang có công văn gửi Cục Hải quan An Giang thông báo, đối với các tờ khai hải quan cát nhập khẩu có mã số HS 2505.90.00 không thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng theo Quy chuẩn QCVN 16:2023/BXD và từ chối tiếp nhận đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu.
Do doanh nghiệp chờ Sở Xây dựng tỉnh An Giang có ý kiến nên lượng phương tiện chở cát sông tự nhiên Campuchia tập kết nhiều tại cửa khẩu từ ngày 5/1/2024 đến ngày 10/1/2024. Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương đã hướng dẫn, giải thích với doanh nghiệp về việc này nhưng doanh nghiệp lo ngại nếu không giám định về chất lượng thì khó bán cho các công trình xây dựng (vì khi mua yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp chứng nhận chất lượng hàng hóa).
Từ tình hình trên, Cục Hải quan An Giang xem xét về sắc thuế thì xác định cả 2 loại cát (mã 2505.10.00 và 2505.90.00) đều có thuế suất nhập khẩu bằng 0% và thuế GTGT là 10%, chỉ khác về việc có giám định chất lượng hoặc không giám định chất lượng (loại cát oxit silic và cát thạch anh mã HS 2505.10.00 phải giám định chất lượng; loại cát khác mã HS 2505.90.00 không phải giám định chất lượng theo Thông tư 04). Do đó, lãnh đạo Cục Hải quan An Giang thống nhất chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương làm thủ tục nhập khẩu cát sông tự nhiên cho doanh nghiệp tùy theo doanh nghiệp khai báo mã số 2505.10.00 hay mã số 2505.90.00 để giải tỏa ùn ứ phương tiện, hàng hóa tại cửa khẩu và tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nên toàn bộ hàng hóa đã được thông quan ngay.
Xác định nhóm hàng trọng điểm
Quản lý địa bàn có đường biên giới dài gần 100 km, với nhiều mặt hàng XNK đặc thù, như đường cát, cát, nông sản… Cục Hải quan An Giang đã có những giải pháp vừa chủ động tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi thương mại, vừa kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng này.
Theo đánh giá của Cục Hải quan An Giang, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong thời gian qua diễn ra với số lượng nhỏ, lẻ, mặt hàng nổi cộm nhất là thuốc lá, mỹ phẩm, đường cát, vàng. Trong thời điểm tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Để ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm về pháp luật hải quan, Cục Hải quan An Giang đã triển khai nhiều kế hoạch, với những giải pháp cụ thể, đồng thời phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành. Trong năm 2023, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 36 vụ, trị giá tang vật là 224,509 triệu đồng; phối hợp với các lực lượng bắt giữ 67 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa gần 14 tỷ đồng.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của đơn vị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ đề nghị Cục Hải quan An Giang cần lưu ý triển khai một số mặt công tác. Trong đó, đối với công tác giám sát quản lý, cần xác định rõ địa bàn hoạt động của cơ quan Hải quan; rà soát lại các địa điểm kiểm tra tập trung tại các cửa khẩu, kiến nghị địa phương cần quy hoạch tập trung, không nên quy hoạch manh mún để đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả.
An Giang được xác định là địa bàn nóng về buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam, Cục Hải quan An Giang đã xác định được những mặt hàng trọng điểm, tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng đề nghị, đơn vị cần đưa thêm các mặt hàng, như: cát nhập khẩu; hàng tạm nhập, tái xuất; ma túy… vào danh sách mặt hàng trọng điểm, để có phương án kiểm tra, kiểm soát phù hợp. Đặc biệt, lưu ý kiểm tra đối với mặt hàng cát nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất, nhất là đối với những tờ khai được phân luồng Vàng…