(HQ Online) – Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa (Cục Hải quan Thanh Hoá) cho biết, việc đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực hỗ trợ thủ tục không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất mà còn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Hoạt động nghiệp vụ của công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa. Ảnh: N.Linh |
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa Ngô Văn Thành cho biết, địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa trải rộng ở các khu công nghiệp trong tỉnh với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có gần 150 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu, hàng hóa chủ yếu là hàng may mặc, giày da, thủy sản, vật liệu xây dựng… Các doanh nghiệp này không chỉ giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động mà còn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Do vậy, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu được Chi cục xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong đơn vị.
Thu ngân sách nhà nước của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa đạt kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 3, đơn vị thu đạt 62,1 tỷ đồng, đạt 33,05% so với chỉ tiêu giao (188 tỷ đồng). |
Chia sẻ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa thông tin, giai đoạn “hậu covid” các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng, đơn hàng không có, sản xuất cầm chừng do xuất khẩu nhỏ giọt, đặc biệt là thị trường châu Mỹ, châu Âu. Do đó ngay từ đầu năm, Chi cục đã lên kế hoạch, phân công lãnh đạo đến doanh nghiệp để bám sát tình hình hoạt động từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Qua nắm tình hình doanh nghiệp, cơ bản các doanh nghiệp có đơn hàng ổn định đến hết tháng 4.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Thành, dù đơn hàng của doanh nghiệp có sự phục hồi, ổn định hơn nhưng cũng có khó khăn phát sinh. “Bởi năm 2023 các doanh nghiệp không có đơn hàng dẫn đến công nhân nghỉ việc, giờ có đơn hàng nhưng doanh nghiệp lại thiếu lao động; đơn hàng không kéo dài như trước nên việc thu hút giữ chân lao động cũng là vấn đề khó. Trong bối cảnh đó, cơ quan Hải quan luôn xác định tích cực hỗ trợ về chính sách, thủ tục để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh”, ông Ngô Văn Thành chia sẻ.
Từ định hướng đó, Chi cục tiếp tục duy trì và mở rộng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài hoạt động thường xuyên là đối thoại doanh nghiệp, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa đã bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan; thực hiện đúng, đầy đủ quy trình nghiệp vụ hải quan. Đáng chú ý, Chi cục đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của Tổ công tác giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Tổ công tác này bao gồm cán bộ, công chức thông thạo về chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết thủ tục hải quan, trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các tổ công tác cũng thường xuyên nắm thông tin hoạt động của doanh nghiệp để có định hướng giải quyết. Việc đồng hành với doanh nghiệp không chỉ là thuận lợi mà còn đảm bảo công tác quản lý. Nếu doanh nghiệp có nguy cơ dừng hoạt động thì có biện pháp quản lý đối với nguyên vật liệu đã nhập.
Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa, việc biến động về nhân sự ở doanh nghiệp do khó khăn về hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, đòi hỏi cơ quan Hải quan thường xuyên đồng hành cùng doanh nghiệp. Bởi ở nhiều doanh nghiệp, bộ phận xuất nhập khẩu có sự luân chuyển dẫn đến việc khai báo không ổn định, dễ sai sót, vì vậy, cơ quan Hải quan phải sát thực tế, hướng dẫn doanh nghiệp để tránh vi phạm những lỗi không đáng có như: khai sai về số lượng, trị giá, thuế suất. Đối với doanh nghiệp có khó khăn về thủ tục thì kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Thông qua các cuộc đối thoại với cơ quan Hải quan, doanh nghiệp đã được cập nhật sớm nhất các văn bản, chính sách mới, kịp thời thực hiện và hợp tác tốt với cơ quan Hải quan, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật.
Sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan Hải quan đối với doanh nghiệp đã minh chứng rõ nét bằng tỷ lệ phân luồng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hoá. Lãnh đạo chi cục cho biết tỷ lệ phân luồng Vàng chỉ chiếm 10%, luồng Đỏ chỉ chiếm 2,6%. Như vậy cũng phản ánh việc doanh nghiệp đang chấp hành khá tốt chính sách, pháp luật về hải quan.