HĐND TP. Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết số 76/NQ-HĐND về việc cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn Thành phố giai đoạn 2026-2030. Đây là bước đầu để thành phố hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Hải Phòng: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 hơn 92.420 tỷ đồng
HĐND TP. Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết số 76/NQ-HĐND về việc cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn Thành phố giai đoạn 2026-2030. Đây là bước đầu để thành phố hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Theo Nghị quyết, dự kiến tổng nguồn đầu tư công trung hạn Thành phố giai đoạn 2026-2030 là 92.420,754 tỷ đồng, bao gồm 5.533,750 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và hơn 86.887,004 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố. Tổng mức vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 dự kiến bằng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố.
Dự kiến kế hoạch vốn cho các dự án: Dự án xây dựng tuyến đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2 với tổng mức đầu tư hơn 6.010,134 tỷ đồng (vốn Trung ương là 1.825,368 tỷ đồng, ngân sách Thành phố 4.184,766 tỷ đồng); Dự án phát triển thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu có tổng mức vốn đầu tư hơn 9.857 tỷ đồng (Trung ương 1.965,123 tỷ đồng, ngân sách Thành phố 7.891,937 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua địa bàn Hải Phòng có tổng vốn đầu tư 3.896,1 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ là 1.743,259 tỷ đồng, ngân sách Thành phố là 1.722,273 tỷ đồng).
Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Ảnh: Hồng Phong |
Dự kiến nguồn ngân sách thành phố phân bổ 61.625,519 tỷ đồng cho 55 dự án của thành phố, gồm 25 dự án thực hiện từ giai đoạn trước chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030 là 14.962,546 tỷ đồng và 30 dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 là 46.662,973 tỷ đồng.
Theo UBND TP. Hải Phòng, so với giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026- 2030 tăng 28,71% về số vốn và giảm 80,63% về số dự án, cho thấy định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung mũi nhọn vào một số định hướng lớn của thành phố. Các dự án dự kiến thực hiện giai đoạn 2026-2030 đều bám sát yêu cầu, mục tiêu phát triển của thành phố theo định hướng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2 (dự án này được Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 2036 ngày 11/4/2024) nhằm từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, tăng năng lực lưu thông, kết nối hiệu quả giữa trung tâm thành phố đến hệ thống hạ tầng cảng biển, trung tâm du lịch trên đảo Cát Bà, góp phần phát triển kinh tế – xã hội thành phố nói riêng, khu vực kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói chung.
Hay là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Bùi Viện đến đường tỉnh 353 sẽ hình thành trục đô thị mới hỗ trợ đường tỉnh 353, tạo không gian đô thị hiện đại, kết nối khu vực phía Nam và Đông Nam thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực các quận Lê Chân, Dương Kinh, huyện Kiến Thụy, quận Đồ Sơn… Từ đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư thông qua kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Quốc lộ 10, Quốc lộ 18…
Trước đó, Tại Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP. Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh bổ sung (lần 3) kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.
Theo Nghị quyết, HĐND TP. Hải Phòng quyết định bổ sung hơn 1.864 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024. Qua đó, nâng tổng số vốn đầu tư công từ 19.217,3 tỷ đồng lên hơn 21.081,4 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn bổ sung kể trên, HĐND TP. Hải Phòng quyết định chi 247,5 tỷ đồng cho chương trình xây dựng xã nông thôn mới tại 3 huyện. Trong đó, huyện Tiên Lãng tăng 20 tỷ đồng cho các công trình thuộc các xã thực hiện trong 2 năm 2022 2023. Huyện An Lão tăng 87 tỷ đồng cho các công trình thuộc các xã thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023.
Thành phố tập trung nguồn vốn đầu tư công để hoàn thành nút giao khác mức tại ngã 4 đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước – Quốc lộ 5. Ảnh: Hồng Phong |
Còn huyện Thủy Nguyên dự kiến sẽ lên Thành phố trực thuộc TP. Hải Phòng năm 2025, được bổ sung 140,5 tỷ đồng cho các công trình thuộc các xã thực hiện trong 3 năm 2021, 2022 và 2024.
Ngoài 3 huyện kể trên, HĐND TP. Hải Phòng bổ sung 1.622,531 tỷ đồng cho các dự án theo thứ tự ưu tiên sau: Dự án, hạng mục công việc hoàn thành có quyết định phê duyệt quyết toán, bổ sung vốn để thu hồi vốn ứng trước, Dự án hoàn thành năm 2024, Dự án hoàn thành sau năm 2024, Dự án khởi công năm 2024, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các dự án.
Riêng đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Hóa và đoạn tuyến qua TP. Hải Phòng của tuyến đường bộ từ TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đi cầu Nghìn, trong phương án điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến TP. Hải Phòng chỉ bố trí vốn 350 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Hóa sẽ đưa vào sử dụng ngày 13/5/2025. Ảnh: Trung Kiên |
Tuy nhiên, dự án có tiến độ triển khai nhanh, dự kiến trong năm 2025 có thể cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của dự án. Vì vậy, HĐND TP. Hải Phòng đồng ý với đề xuất của UBND Thành phố bổ sung thêm cho dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 từ 350 tỷ đồng lên 530 tỷ đồng. Số vốn còn lại sẽ bố trí trong giai đoạn 2026 – 2030.
Theo báo cáo, tính đến ngày 20/10/2024, Hải Phòng đã giải ngân được 9.447,348 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (17.019,2 tỷ đồng), bằng 47,3% kế hoạch thành phố giao (19.972,7 tỷ đồng).
Nguồn: https://baodautu.vn/hai-phong-ke-hoach-dau-tu-cong-trung-han-giai-doan-2026—2030-hon-92420-ty-dong-d228922.html