Hơn hai năm sau vụ tấn công phá hoại lớn nhất trong lịch sử châu Âu, vẫn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về vụ đường ống khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) .
Bong bóng khí nổi lên từ một trong những đường ống khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc bị rò rỉ ngoài khơi Thụy Điển, Biển Baltic, ngày 30/9/2022. (Nguồn: Getty) |
Những gì còn lại của siêu dự án Dòng chảy phương Bắc vẫn nằm sâu dưới biển Baltic.
Các lý thuyết, suy đoán và tin đồn vẫn bao quanh vụ tấn công vào đường ống Nord Stream kể từ khi chúng bất ngờ bị nổ tung vào năm 2022. Đến nay, có vẻ mọi dấu vết không đổ tội được cho Nga – tháng 2/2023, Bộ trưởng Tư pháp Đức cũng thừa nhận “không thể chứng minh” Moscow liên quan đến các vụ nổ. Vậy thì dấu vết đang dẫn đến đâu?
Ngày 26/9/2022, bốn vụ nổ đã làm rung chuyển đáy biển gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Trong nhiều ngày, một lượng lớn khí metan đã được bơm vào biển Baltic từ ba đoạn đường ống bị hư hại của Nord Stream 1 và 2, nối Nga với Đức.
Châu Âu nhanh chóng cảm nhận được tác động, với giá năng lượng tăng mạnh, đặc biệt là ở Đức. Nord Stream, với chi phí xây dựng hơn 10 tỷ Euro, không phải là sở hữu độc quyền của Gazprom của Nga, nó còn có các cổ đông ở Đức (E.ON và Wintershall), Hà Lan (Gasunie) và Pháp (Engie), tất cả đều có quyền yêu cầu bồi thường.
Giới truyền thông quốc tế khẳng định, vụ tấn công đường ống khí đốt là hành động phá hoại lớn nhất trong lịch sử châu Âu gần đây, cũng là một thảm họa môi trường khủng khiếp. Nhưng bất chấp phạm vi và tầm quan trọng của nó, hai năm sau, các cuộc điều tra chính thức đã bị đánh dấu bằng một sự im lặng đáng sợ.
Cho đến nay, vẫn chưa có vụ bắt giữ nào, cũng như không có cuộc thẩm vấn hoặc buộc tội nào đối với những nghi phạm.
Vào đầu tháng 6, sau cuộc điều tra kéo dài hai năm, các công tố viên Đức đã ban hành lệnh bắt giữ toàn châu Âu đối với Volodymyr Zhuravlov, một công dân Ukraine thường trú tại Ba Lan, sau khi người này xuất hiện trên ảnh camera bắn tốc độ chiếc xe chở nhóm phá hoại đi từ Ba Lan vào Đức hồi năm 2022. Người thợ lặn Ukraine này và một nhóm người bị cáo buộc đã lên kế hoạch và thực hiện gài thiết bị nổ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.
Nhưng việc Warsaw lưỡng lự trong việc cung cấp hỗ trợ hành chính đã khiến Zhuravlov trốn thoát mà thậm chí không bị thẩm vấn. Lực lượng chức năng Ba Lan đã không kịp bắt Zhuravlov trước khi người này vượt biên vào Ukraine hồi đầu tháng 7. Động thái của Ba Lan được cho là một đòn giáng mạnh vào cuộc điều tra của Đức.
Giới quan sát bình luận, vụ việc thể hiện “sự thờ ơ khác thường về chống khủng bố” – Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khi đó đã chỉ trích chính quyền Đức bằng một dòng trạng thái trên X vào ngày 17/8: “Gửi đến tất cả những người khởi xướng và bảo trợ cho Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Điều duy nhất các bạn nên làm hôm nay về vấn đề này là xin lỗi và giữ im lặng”.
Thủ tướng Tusk dường như đã phản ứng với tuyên bố của cựu Giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài Đức (BND) August Hanning rằng, cuộc tấn công vào đường ống dẫn khí Nord Stream hẳn phải có sự hỗ trợ của Ba Lan.
Trên thực tế, hành động phá hoại nghiêm trọng đường ống Nord Stream đã khiến Đức mất nguồn khí đốt Nga và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu. Đức là đối tác của Nga trong dự án đường ống Nord Stream. Ba Lan từ lâu đã tuyên bố rằng, lợi ích an ninh của chính họ đã bị Nord Stream gây tổn hại.
Ngay sau vụ nổ, chính quyền Thụy Điển và Đan Mạch kết luận, chỉ có một tác nhân nhà nước mới có thể thực hiện một cuộc tấn công như vậy, nhưng sau đó họ bất ngờ đóng cuộc điều tra mà không công bố bất kỳ kết quả nào.
Sau đó, Mỹ cũng tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc điều tra, điều này có vẻ đặc biệt hứa hẹn vì các cơ quan tình báo của họ có quyền giám sát toàn diện vùng Baltic. Tuy nhiên, điều bí ẩn là họ cũng không tiết lộ bất kỳ phát hiện nào.
Trong một cuộc phỏng vấn, Chervinsky, cựu quan chức của Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) cho biết, vụ phá hoại có hai tác động tích cực đối với Kiev, khiến Nga chỉ còn lại một tuyến đường chính để chuyển khí đốt đến châu Âu là đường ống qua lãnh thổ Ukraine. Bất chấp xung đột, Ukraine vẫn thu được phí quá cảnh từ dầu khí Nga, ước tính trị giá hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, những phát hiện này có nguy cơ làm đảo lộn mối quan hệ Kiev-Berlin. Đức là bên hỗ trợ tài chính và thiết bị quân sự hàng đầu cho Ukraine, chỉ sau Mỹ, nhưng cuộc điều tra đã hé lộ câu chuyện theo hướng ít ai ngờ tới.
“Cuộc tấn công ở quy mô này là lý do đủ để kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của NATO, nhưng cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi lại bị phá hủy bởi quốc gia mà chúng tôi đã hỗ trợ bằng các lô hàng vũ khí lớn và hàng tỷ USD tiền mặt”, một quan chức cấp cao Đức am hiểu cuộc điều tra nói.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dong-chay-phuong-bac-hai-nam-ngu-yen-duoi-bien-sau-nhung-tinh-tiet-dang-ngo-da-duoc-nham-mat-lam-ngo-291988.html