Thời gian, bối cảnh, diễn biến khác nhau, nhưng điểm chung nổi bật của hai sự kiện trọng đại đó là đóng góp to lớn của mặt trận ngoại giao đối với cách mạng Việt Nam và khu vực, thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu)
70 năm nhìn lại
Trên đà thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông 1952 và Xuân 1953, tháng 11/1953, Tổng quân ủy bắt đầu triển khai Kế hoạch Đông Xuân 1953-1954. Cục diện chiến trường chuyển hóa ngày càng có lợi cho ta. Phối hợp với mặt trận quân sự, ngoại giao tiến hành nhiều hoạt động quan trọng với bạn bè và cả đối thủ. Tháng 11/1953, trả lời phỏng vấn tờ Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố, sẵn sàng đàm phán với chính phủ Pháp, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Quan điểm đó thể hiện thiện chí của ta, đồng thời tác động lớn đến tâm lý, tinh thần binh sĩ quân đội và lực lượng ôn hòa trong chính phủ Pháp.
“Ngửi thấy mùi thất bại”, chính phủ Pháp xoay sang tìm “lối thoát trong danh dự”. Các nước lớn cũng nhảy vào cuộc. Ngày 25/1/1954, Hội nghị Tứ cường khai mạc tại Berlin (Đức), quyết định sẽ triệu tập Hội nghị quốc tế ở Geneva để giải quyết chiến tranh Triều Tiên và vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhưng chỉ đến khi chiến dịch Điện Biên phủ giành thắng lợi “chấn động địa cầu”, Pháp mới chịu ngồi vào bàn đàm phán, Hội nghị Geneva chính thức khai mạc (8/5/1954).
Quân Pháp thua trên chiến trường, nhưng dựa vào đồng minh, vẫn cố giành lợi thế nhất có thể. Trải qua 31 phiên họp, 83 ngày (5/8-21/7), cuộc đấu trí trên bàn đàm phán căng thẳng, gay go, quyết liệt không kém gì chiến trường. Chín năm kháng chiến, chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva đã kết thúc chiến tranh ở xứ Đông Dương; Việt Nam giành được sự công nhận, cam kết quốc tế tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, giải phóng một nửa đất nước chấm dứt gần trăm năm đô hộ của thực dân Pháp. Theo nhà báo Australia Wilfred Burchett, Việt Nam đã làm thất bại âm mưu quốc tế hóa chiến tranh của Pháp. Đó không những là thắng lợi của Việt Nam mà còn là biểu tượng, nguồn động lực cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Tuy nhiên, tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau hai năm không được thực hiện. Chúng ta buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm mới thực hiện trọn vẹn mục tiêu. Có chuyên gia, học giả cho rằng, Hội nghị Geneva chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với thắng lợi quân sự, cục diện chiến trường. Nếu kiên quyết hơn, kinh nghiệm hơn, ta có thể làm hơn thế.
Lịch sử không có chuyện “nếu như”… Đặt vào hoàn cảnh lúc đó mới thấu hiểu được kết cục. Điều kiện đất nước vô cùng khó khăn; vị thế, quan hệ quốc tế của Việt Nam còn hạn chế. Cuối năm 1953, tổng số quân Pháp, cả ngụy quân khoảng 465.000 người, cộng thêm 123 máy bay, 212 tàu chiến được Mỹ viện trợ. Tại Điện Biên Phủ, Pháp mất khoảng 16.200 quân (thương vong, bị bắt sống, tan rã). Cộng với tổn thất ở các chiến trường, khu vực khác, quân Pháp vẫn còn số lượng khá lớn.
Ngoài tương quan thực lực, ý đồ chiến lược của hai bên, kết cục đàm phán còn phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế và toan tính của các nước lớn tham dự Hội nghị. Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ ta, nhưng cũng muốn chấm dứt chiến tranh, tạo môi trường thuận lợi cho chủ trương “chung sống hòa bình”. Một số nước không rốt ráo với việc giám sát thực thi Hiệp định. Thông tin quốc tế ít ỏi, nhưng ta đã thấy lấp ló bộ mặt sẵn sàng can thiệp của Mỹ. Với bối cảnh đó, kéo dài Hội nghị chưa chắc đạt kết quả như mong muốn…
Tuy còn có mặt chưa như mong muốn, nhưng Hiệp định Geneva mang lại cho ta một nửa đất nước, khoảng lặng cần thiết để hồi phục sau chín năm kháng chiến, đấu tranh thực thi Hiệp định và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với biến cố phức tạp, khó lường có thể xảy ra. Thực tiễn sau này đã chứng tỏ nhận định đúng đắn đó.
Vượt qua khó khăn trong lần đầu tiên đàm phán, ký kết một văn kiện pháp lý quốc tế lớn như Hiệp định Geneva, chúng ta thu được những bài học rất quan trọng. Đó là bài học về kết hợp đấu tranh trên cả ba mặt trận: Chính trị, quân sự, ngoại giao; phát huy mối quan hệ biện chứng giữa “Chiêng và tiếng”; về giữ vững độc lập, tự chủ, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi và cảnh giác với sự thỏa hiệp giữa các nước lớn, trong đó có cả bạn bè, đối tác. Những bài học rất quý cho cuộc đàm phán Marathon 15 năm sau ở Paris.
Chữ ký của các bên tham gia Hội nghị Paris 1973. (Ảnh tư liệu)
Hiệp định Paris – sự kế thừa và phát triển
Hội nghị Geneva diễn ra trong 83 ngày. Còn quá trình đàm phán Hiệp định Paris kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, trải qua 201 phiên công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao… Hội nghị Geneva bắt đầu một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh của thực dân Pháp. Hội nghị Paris được khởi động sau những thắng lợi quân sự, đặc biệt là đòn tiến công choáng váng Tết Mậu Thân 1968, làm rung chuyển toàn bộ chiến trường và Lầu Năm Góc.
Hội nghị Paris là quá trình vừa đánh, vừa đàm, kết hợp giữa đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, binh vận, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi của bạn bè, đối tác, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và ở chính nước Mỹ. Mặt trận nào cũng quan trọng, nhưng quân sự vẫn giữ vai trò quyết định. Đặc biệt, sau thắng lợi của “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội và một số thành phố khác, ngày 30/12/1972, Mỹ phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, đề nghị nối lại đàm phán và đến ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris đã được ký kết.
Quá trình đàm phán, ta luôn giữ thế chủ động, nắm chắc tình hình địch, bối cảnh thế giới, liên tiếp đưa ra các bản tuyên bố, với những điều chỉnh linh hoạt, đẩy địch vào thế bị động, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Nổi bật là sách lược tạm gác một số yếu tố nội bộ miền Nam (không đòi xóa chính quyền Sài Gòn, gạt Thiệu), gỡ nút thắt, buộc Mỹ chấp nhận rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo cục diện mới, đẩy nhanh tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tổn thất hạn chế nhất có thể.
Mỹ luôn tìm kiếm sự thỏa hiệp với Trung Quốc, Liên Xô… để hạn chế viện trợ cho Việt Nam, và đạt kết quả nhất định. Nhưng ta vẫn kiên định đường lối độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia – dân tộc làm cơ sở; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ to lớn, quý giá của Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước khác; kiên quyết thực hiện đến cùng mục tiêu chính trị, quân sự đề ra.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, ngày 7/5. (Nguồn: TTXVN)
Những giá trị, bài học cho tương lai
Trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta có điều kiện ôn lại hai mốc son trên mặt trận ngoại giao Việt Nam. Diễn ra sau gần 20 năm, Hiệp định Paris đã kế thừa, phát triển bài học kinh nghiệm của Hiệp định Geneva lên tầm cao mới. Bối cảnh, không gian và diễn biến khác nhau, nhưng điểm chung cơ bản của hai Hiệp định là khẳng định đóng góp to lớn, vai trò quan trọng, không thể thiếu của mặt trận ngoại giao vào thắng lợi chung của đất nước, dân tộc.
Nhiều năm trôi qua, những bài học lớn, mang tính nguyên tắc, quy luật từ Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris vẫn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nổi bật là sự vận dụng nhuần nhuyễn và xuyên suốt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tạo dựng tiền đề, nền tảng cho quá trình hình thành, phát triển trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.
Baoquocte.vn
Nguồn: https://baoquocte.vn/hai-moc-son-choi-loi-tren-mat-tran-ngoai-giao-va-nhung-bai-hoc-lon-cho-tuong-lai-270660.html