Từ nhận thức văn hóa là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hải An (Hải Hậu) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu “sáng – xanh – sạch – đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2020-2025; trong đó chú trọng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao, phát triển các mô hình “Văn hóa, văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT)”.
Phát huy truyền thống văn hóa, trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền xã Hải An đã lựa chọn văn hóa là lĩnh vực nổi trội để triển khai thực hiện. Việc phát triển các mô hình “VHVN, TDTT cơ sở”, thành lập các đội, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, thể thao quần chúng đã đạt được kết quả tích cực; phong trào VHVN, TDTT của xã ngày càng phát triển sâu rộng trong cộng đồng, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của xã Hải An là sự phát triển các loại hình nghệ thuật như: CLB hát chèo, hội trống Đền An Trạch; đội cồng chiêng Giáo xứ An Đạo; các đội kèn đồng nam, nữ Giáo xứ An Đạo, An Nghĩa…, thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt. Vào các dịp lễ kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước, ngày tết, lời ca, tiếng hát của những “nghệ sĩ” không chuyên lại vang lên, hòa cùng âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng, điệu nhạc sôi động đã làm rộn rã cả một vùng quê, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Trung bình mỗi năm, có hàng trăm buổi biểu diễn văn nghệ từ xa, đến các thôn xóm, phục vụ hàng nghìn lượt người xem.
Diện mạo khu dân cư văn hóa nông thôn mới xã Hải An (Hải Hậu). |
Ở Hải An, nghệ thuật hát chèo từ lâu đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân. Mỗi khi địa phương tổ chức lễ hội truyền thống Đền An Trạch, trong không gian cổ kính, linh thiêng, CLB chèo biểu diễn các tiết mục múa dân gian, hát chèo đặc sắc, gửi gắm vào các làn điệu dân ca tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Với niềm đam mê nghệ thuật, ngoài hát chèo, các thành viên CLB còn dàn dựng biểu diễn các tích chèo cổ như: “Quan Âm Thị Kính”, “Thị Màu lên chùa”, “Trương Viên”, “Tấm Cám”, “Gieo gió gặt bão”, “Quai đê lấn biển”… và một số hoạt cảnh chèo nội dung kể về những sự kiện lịch sử và truyền thống văn hóa của vùng đất, con người quê hương Hải Hậu. Cùng với CLB chèo, Đền An Trạch đã thành lập được hội trống gồm 25 thành viên. Tại các sự kiện văn hóa, thể thao của xã đều có sự tham gia của hội trống Đền An Trạch. Các tiết mục biểu diễn múa trống của hội đều kết hợp tổng thể từ trang phục đẹp, động tác đồng đều, khéo léo đến chất lượng âm thanh hùng tráng, sôi động. Bởi vậy các màn biểu diễn trống hội ở Hải An luôn thu hút người xem, nhiều động tác biểu diễn múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống… thuần thục, đẹp mắt như chuyên nghiệp. Tháng Giêng và tháng 8 âm lịch là thời điểm hội trống Đền An Trạch tích cực luyện tập chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa tín ngưỡng diễn ra tại di tích; trong đó, nổi bật là lễ hội truyền thống tại Đền nhân kỷ niệm ngày hóa Đức Thánh Trần (20-8 âm lịch). Vào dịp này, cùng với các hoạt động biểu diễn trống hội, hát chèo, tại di tích diễn ra nhiều nghi thức tế lễ, dâng hương, rước kiệu và các trò chơi dân gian như: chọi gà, leo cầu ngô, tổ tôm điếm…
Phong trào VHVN ở Hải An phát triển mạnh là nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao trên địa bàn. Xã đã xây dựng Trung tâm văn hoá – thể thao xã với tổng diện tích 3.750m2; trong đó, nhà văn hoá xã diện tích 620m2, khu thể thao xã được quy hoạch 3.130m2. Nhà văn hoá xã có các phòng chức năng, công trình phụ trợ, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại như: phòng đài truyền thanh, phòng truyền thống, phòng hoá trang, phòng quản lý, khu vệ sinh, vườn hoa, nhà để xe, bàn, ghế, tủ sách, hệ thống âm thanh, ánh sáng, bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời… Xã đang hoàn thiện xây dựng sân vận động bóng đá cỏ nhân tạo để phục vụ người dân. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, cả 10 xóm trong xã đều có nhà văn hóa, khuôn viên các nhà văn hóa được lắp đặt bộ trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời từ 5 dụng cụ trở lên. Trung tâm văn hóa – thể thao xã thường xuyên duy trì hoạt động 8 CLB văn thể gồm: CLB bóng chuyền nam, CLB bóng chuyền hơi nữ, CLB văn nghệ, CLB dưỡng sinh, CLB gia đình hạnh phúc, CLB cờ tướng, CLB cầu lông, CLB bóng bàn với gần 800 hội viên tham gia sinh hoạt. Mỗi năm, trung tâm tổ chức từ 6-8 hội diễn, liên hoan VHVN, giải TDTT quần chúng. Ở các xóm, phong trào TDTT phát triển với các môn: bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, dân vũ, dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe… đã thu hút trên 60% người dân tham gia luyện tập hàng ngày. Việc thành lập và duy trì các CLB TDTT đã tập hợp những người yêu thích thể thao, tích cực rèn luyện thân thể. Ngoài tham gia luyện tập, các CLB TDTT còn là nơi thư giãn, trò chuyện của người dân, từ đó tăng tình đoàn kết trong các khu dân cư. Cùng với việc tham gia sôi nổi các hoạt động TDTT, thành viên các CLB và người dân các xóm còn tích cực ủng hộ phong trào TDTT. Trung bình mỗi năm, mỗi xóm đã vận động đóng góp từ 20-30 triệu đồng để tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu TDTT.
Bên cạnh việc phát triển, nhân rộng các mô hình “VHVN, TDTT”, thành công trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở xã Hải An còn đến từ việc huy động sức dân thực hiện phong trào xây dựng “Xóm văn hóa kiểu mẫu”, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đảm bảo cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp. Đáng chú ý là xã đã vận động xã hội hóa nguồn lực xây dựng được con đường bích họa dài hơn 1km (từ cầu đá Hải An – đường An Đông đến nhà văn hóa xóm 5 – xóm điểm xây dựng văn hóa kiểu mẫu). Con đường bích họa do hơn 20 họa sĩ và giáo viên mĩ thuật trong và ngoài xã thực hiện với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Chủ đề các bức bích họa là truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hóa lễ hội, di tích, phong tục tập quán của vùng đất, con người quê hương ven biển Hải Hậu. Không chỉ tái hiện những sự kiện lịch sử, cuộc sống bình dị của người dân thôn quê, các khẩu hiệu tuyên truyền xây dựng NTM, bảo vệ môi trường được lồng ghép trong nội dung các bức bích họa hay những danh thắng tiêu biểu của đất nước có tác động sâu sắc đến mỗi người dân… Sau nhiều tháng thi công, công trình con đường bích họa đã hoàn thành, góp phần cổ vũ, khích lệ người dân cùng có ý thức, trách nhiệm chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển và gửi gắm những khát vọng về một cuộc sống mới bình yên, tươi sáng. Đây chính là minh chứng về sự sáng tạo của xã Hải An trong xây dựng xóm 5 thành mô hình “xóm văn hóa kiểu mẫu” tiêu biểu của huyện, từ đó nhân rộng ra các xóm khác trong toàn xã.
Để duy trì và phát huy các kết quả đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa, xã Hải An tiếp tục đề ra các mục tiêu phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, xã Hải An phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trước năm 2025./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng