Nhanh chóng đưa trường học hạnh phúc vào thực tiễn
Xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu hướng đến của nhiều trường học ở Việt Nam. Đối với tỉnh Hà Tĩnh, những năm gần đây, việc này đã được quan tâm triển khai thực hiện.
Từ năm học 2020-2021, ngành giáo dục Hà Tĩnh bắt đầu tiếp cận được với khái niệm trường học hạnh phúc, sau đó, họ đã thí điểm tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ.
Các tài liệu liên quan đến xây dựng trường học hạnh phúc cũng bắt đầu được gửi đến các cơ sở giáo dục tiểu học trong toàn tỉnh nghiên cứu để phổ biến trong nhà trường. Tiếp đó, các trường tiểu học ở thành phố Hà Tĩnh từng bước nghiên cứu, vận dụng,…
Đến năm học 2022-2023, để làm căn cứ cho các sở giáo dục trong toàn tỉnh tham mưu, triển khai, Sở GD&ĐT ban hành Quyết định số 1168/QĐ-SGDĐT ngày 17/10/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
Quyết định số 1169/QĐ-SGDĐT ngày 17/10/2022 ban hành Bộ tiêu chí tạm thời về Trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Kế hoạch số 2186/KH-SGDĐT ngày 17/10/2022 về triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học hạnh phúc”.
Phòng GD&ĐT, các trường đã tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập bộ tiêu chí, ban hành các văn bản triển khai thực hiện, tổ chức cho các trường đăng ký xây dựng Trường học hạnh phúc.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện đã có 56 trường đăng ký xây dựng Trường học hạnh phúc. Những cơ sở giáo dục còn lại, trên cơ sở đặc điểm tình hình của đơn vị, từng bước nghiên cứu, áp dụng một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí tạm thời do Sở GD&ĐT ban hành.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết, phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc tại Hà Tĩnh bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, được cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh đồng tình ủng hộ, là nơi mang đến cho học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên niềm vui, sự thoải mái, an lành, có cảm xúc tích cực và mong muốn gắn kết, cống hiến,…, qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Để có được những thành tựu bước đầu, thầy trò Hà Tĩnh xác định, ngoài những thuận lợi, bao giờ cũng có những khó khăn, thách thức nhất định.
Để đạt được mục tiêu học sinh tích cực, giáo viên thân thiện, thách thức lớn nhất là làm thay đổi được nhận thức và hành động trong cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh trong khi những cách làm cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ vốn đã định hình, ăn sâu vào thói quen dạy học.
“Không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với yêu cầu mới.
Ngoài ra áp lực về thi cử, điểm số, thứ hạng vẫn còn nặng nề; Một bộ phận trong xã hội chưa hiểu hết những thay đổi trong cách dạy, cách học, thiếu sự động viên, chia sẻ để thầy, cô giáo, học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn của đổi mới” – ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.
Thầy cô, nhà trường thay đổi vì học sinh
Các năm qua, tại tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ, nhất là tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, hình hình thức tổ chức dạy học;
Thực hiện trao quyền chủ động, sáng tạo cho giáo viên trong lựa chọn cách thức dạy, kiểm tra, đánh giá,…;
Chuyển vai trò của giáo viên từ chủ thể truyền thụ kiến thức sang vai trò người tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ cho học sinh; quan tâm thực hiện các giải pháp tạo cảm xúc làm việc, học tập trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cảm xúc học tập trong học sinh,…
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui – là mục tiêu cốt lõi mà Trường học hạnh phúc hướng tới, để trở nên có giá trị, không còn là khẩu hiệu thì nhà trường, giáo viên nên có những sự thay đổi thực sự.
Theo cách dễ hiểu nhất, Trường học hạnh phúc là một ngày đến trường, giáo viên, học sinh đều cảm thấy là một ngày vui và thực sự ý nghĩa.
Vì vậy, nhà trường cần tập trung làm thay đổi và thay đổi đồng bộ từ cấp ủy, lãnh đạo đến các tổ chức trong nhà trường.
Thay đổi phải bắt đầu từ Ban Giám hiệu, mà trước hết là Hiệu trưởng nhà trường phải thay đổi. Đó là sự thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành, chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích của người học lên hàng đầu.
Nhà trường thực sự dân chủ, khách quan và minh bạch, không tạo ra những gánh nặng, áp lực không cần thiết; biết tôn trọng và phát huy sức mạnh tập thể, cá nhân, tạo động lực cho giáo viên, để mỗi thầy, cô giáo thực sự hạnh phúc và hạnh phúc đó sẽ được lan tỏa tới tất cả học sinh.
Xây dựng phù hợp và triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; môi trường giáo dục nhà trường phải an toàn, lành mạnh, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức;
Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đội ngũ giáo viên, nhân viên,… Nhà trường không ngừng đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động, các hoạt động đó phải thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, đặc điểm nhận thức của học sinh,…
Với giáo viên, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi thầy cô phải nêu cao tinh thần tự giác và trách nhiệm.
Không ngừng nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, mến trẻ, sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo.
Biết yêu thương học trò bằng cả trái tim và tấm lòng nhân ái, lan tỏa cho học sinh niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những cử chỉ đầy tính nhân văn.
Trong mọi trường hợp phải đề cao sự thấu hiểu để yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ học sinh.
Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của học sinh phải luôn được tôn trọng, không áp đặt một cách máy móc, biết kiềm chế, không mang những cảm xúc tiêu cực xảy ra trong cuộc sống đời thường đến trường, đến lớp.
Trong chuyên môn, giáo viên phải thực là nhà kiến tạo niềm vui, kiến tạo cảm xúc học tập tích cực cho học sinh, học sinh được tự mình khám phá những điều mới mẻ, thú vị từ những bài học hằng ngày.
Để làm được điều này, giáo viên phải không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh.
Biết tôn trọng mọi sự cố gắng, sản phẩm học tập của học sinh; đánh giá không so sánh học sinh này với học sinh khác mà biết kềm cặp, giúp đỡ, cổ vũ, động viên để học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập và tự cảm nhận được là mình có sự tiến bộ theo hằng ngày.
Đối với tập thể lớp, giáo viên cần xây dựng một môi trường học tập và rèn luyện tích cực, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ;
Có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với năng lực, sở trường, không để học sinh có cảm giác mình bị thừa trong tập thể lớp, trong các hoạt động của nhà trường, làm cho các em thấy mình có giá trị, có những đóng góp cho thể và được ghi nhận.
Muốn vậy thì cần có các giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả các tiêu chí cốt lõi về trường học hạnh phúc: Xây dựng môi trường nhà trường với không khí ấm áp, thân thiện trong trường học, lớp học; mọi thành viên trong trường học, lớp học đều được yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu.
Dạy học và hoạt động giáo dục phải tạo được hứng thú, phù hợp với từng đối tượng, khuyến khích học sinh tham gia hoạt động học tập. Cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu và chủ động xây dựng các mối quan hệ tích cực, tốt đẹp.
Phối hợp, hợp tác có hiệu quả với cha mẹ học sinh, cộng đồng dân cư và các lực lượng liên quan trong giáo dục học sinh.
Nhà trường, thầy cô giáo trong giai đoạn hiện nay không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để học sinh thấy được ngôi trường, lớp học của mình trở thành một nơi thú vị mà hằng ngày các em khát khao muốn đến để được yêu thương, quý trọng, học tập và khám phá để thay đổi bản thân,…
Để xây dựng mục tiêu tốt đẹp này, nhà trường, giáo viên cần phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từ những việc nhỏ nhất và rất cần sự chung tay của toàn xã hội.