Liên quan đến vấn đề phát triển hệ sinh thái số, ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc NAPAS – đã chia sẻ các nội dung về xu hướng triển khai ngân hàng mở trên thế giới và thực tiễn triển khai tại Việt Nam.
Theo đó, ngân hàng mở là mô hình kết nối, xử lý các giao diện lập trình ứng dụng mở cho phép các bên thứ ba cung cấp dịch vụ được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng dựa trên sự chấp thuận của khách hàng. Hiện nay, trên thế giới xu hướng hạ tầng chung về ngân hàng mở ngày càng tăng, hạ tầng chung giúp thúc đẩy phát triển nhanh hơn kết nối tự phát, hạ tầng chung được cấp phép hoặc vận hành bởi các tổ chức/hiệp hội lớn có uy tín.
Nhanh chóng bắt nhịp xu thế toàn cầu, tại Việt Nam, các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu ngân hàng cho các bên thứ ba (TPP) thông qua việc sử dụng Open API. Từ 2020 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã nhập cuộc phát triển mô hình này như Vietinbank, BIDV, OCB, MB…
“Tuy nhiên, các ngân hàng và các TPP đang tự chủ động tìm kiếm, lựa chọn đối tác kết nối phù hợp theo nhu cầu và tương tác trực tiếp để tích hợp, triển khai. Đồng thời tùy chỉnh kết nối dựa trên yêu cầu cụ thể và thống nhất giữa 2 bên. Việc triển khai giữa các bên còn gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngân hàng phải xây dựng và vận hành tiêu chuẩn, kết nối riêng, tăng chi phí vận hành, tốn kém nguồn lực.
Ngân hàng cần thực hiện toàn bộ quy trình triển khai với TPP từ KYC, onboarding, kết nối kỹ thuật…. TPP sử dụng nhiều tiêu chuẩn, kết nối với các ngân hàng. Mỗi kết nối phải rà soát, vận hành các bộ tài liệu pháp lý khác nhau. Ngân hàng mở nhiều kết nối đến TPP và không cùng tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu…” – ông Long chia sẻ.
Theo ông Long, hạ tầng chung về ngân hàng mở sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Khách hàng sẽ được tối ưu hóa trải nghiệm, tiếp cận nhiều nguồn thông tin và dịch vụ, xử lý các nhu cầu tài chính nhanh, cá nhân hóa dịch vụ, chia sẻ dữ liệu an toàn, nhiều ưu đãi, giảm chi phí. Đối với các ngân hàng và công ty Fintech, hạ tầng chung về Ngân hàng mở sẽ giảm sự phức tạp trong triển khai pháp lý, giảm rủi ro an ninh, tiết kiệm chi phí và nguồn lực, tăng khả năng mở rộng dịch vụ, thêm cơ hội tiếp cận khách hàng, bán chéo sản phẩm dịch vụ…
Về phía cơ quan quản lý, hạ tầng chung về ngân hàng mở cũng giúp dễ dàng hơn trong giám sát thị trường, thúc đẩy hệ sinh thái số, triển khai chủ trương phát triển kinh tế số, tạo ra nền tảng cho sự phát triển của tài chính mở…
Đại diện NAPAS cho biết: “Trong thời gian tới, với sự chung tay của toàn thị trường, dưới sự định hướng của NHNN, việc triển khai ngân hàng mở/ open banking sẽ mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Các đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán như NAPAS cũng đã sẵn sàng chuẩn bị những cơ sở, sản phẩm dịch vụ để đón kịp và phục vụ ngân hàng và các bên thứ 3 cung cấp dịch vụ trên hạ tầng ngân hàng mở nhằm triển khai thực hiện các giải pháp và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiên cứu ứng dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng trải nghiệm khách hàng; nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển đổi số”.
Song song với đó, NAPAS cũng xây dựng hạ tầng số hóa thanh toán để sẵn sàng đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán hiện tại cũng như tương lai. Phát triển các sản phẩm đa kênh, đa phương tiện, hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông công cộng và các nhu cầu khác của thị trường.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/ha-tang-chung-ve-ngan-hang-mo-se-mang-lai-nhieu-loi-ich-thiet-thuc-1337973.ldo