Chỉ đạo trên vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, tại công văn yêu cầu các sở liên quan cùng UBND quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại động vật tại các quận, huyện, thị xã.
Đơn vị liên quan phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để điều tra ổ dịch, trao đổi, chia sẻ thông tin dịch bệnh dại trên người và động vật theo quy định; điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại động vật…
Đáng lưu ý, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức xây dựng, thực hiện ngay kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại trong hệ thống trường phổ thông theo chỉ đạo.
Với UBND các quận, huyện, thị xã, Hà Nội yêu cầu địa phương thực hiện phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y; chỉ đạo của Thủ tướng cùng bộ ngành liên quan.
Lãnh đạo các địa phương được yêu cầu chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo nuôi; cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn theo quy định.
Cùng với đó, lãnh đạo quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.
Đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định đảm bảo tỷ lệ trên 90% tổng đàn vật nuôi.
Nội dung công văn trên tương tự với văn bản được UBND TP Hà Nội ban hành hôm 3/3. Dù vậy cho đến nay, các địa phương vẫn chưa thúc đẩy, khởi động lại các đội bắt chó thả rông.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một phường thuộc quận Hoàng Mai cho biết việc thành lập các đội bắt chó thả rông chỉ duy trì được một thời gian ngắn vì thiếu cơ chế, chính sách cho những người tham gia hoạt động này.
Đồng thời, chó mèo sau khi được bắt lại cũng khó quản lý vì không có nơi nuôi nhốt riêng.
Vì vậy, thời gian qua, địa phương hầu hết áp dụng hình thức tuyên truyền, vận động và nhắc nhở đối với chủ vật nuôi khi phát hiện trường hợp chó mèo thả rông. Cùng với đó, chủ vật nuôi phải ký cam kết chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại.