Baoquocte.vn. Ngày 25/10, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo khoa học “Xin ý kiến Báo cáo tổng hợp Giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP. Hà Nội”. Hội thảo được tổ chức có sự tham dự của các đơn vị sở ban ngành Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện, trường/trường đại học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp…
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS. Lê Thanh Sang, Phó Viện trưởng đồng chủ trì Hội thảo. (Nguồn: VASS) |
Với vị thế là Thủ đô của cả nước Hà Nội cần trở thành thành phố khởi nghiệp hàng đầu quốc gia và khu vực. Để làm được đó, thành phố Hà Nội cần phải thử nghiệm các thể chế vượt trội nhằm phát triển các mô hình kinh doanh mới trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Hà Nội đã và đang được hình thành, phát triển tương đối sôi động với nhiều thành phần tham gia. Về mặt cơ bản, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hiện có từng bước đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, loại hình doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của Thủ đô bởi những lý do sau:
Thứ nhất, các thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hà Nội đã có đủ, nhưng hoạt động chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phần, mối liên kết vẫn còn rời rạc ở quy mô nhỏ, dẫn tới hiệu quả hoạt động chưa cao, do thiếu vắng những cơ chế, chính sách và quy định pháp luật rõ ràng, cũng như sự hỗ trợ cụ thể của chủ thể chính quyền đối với hệ sinh thái khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ hai, lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.
Thứ ba, số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội gọi được vốn từ các quỹ đầu tư rất ít; phần lớn chỉ là doanh nghiệp nhỏ cung cấp sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số, mà chưa phát triển dựa trên nền tảng ĐMST đúng nghĩa.
Thứ tư, trên địa bàn Hà Nội đã có một số khu công nghệ cao (CNC), công viên phần mềm và hàng chục cơ sở vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp có quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Tuy vậy, chưa có một hệ sinh thái và Trung tâm khởi nghiệp và ĐMST đúng nghĩa theo thực tiễn quốc tế tốt nhất.
Thứ năm, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội cần đi đầu trong nhiệm vụ phát huy vai trò của các doanh nghiệp lớn do Nhà nước sở hữu và các Tập đoàn tư nhân đã là “kỳ lân” cũng như đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ sẽ tham gia việc thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng startup đổi mới sáng tạo bằng cả nguồn lực tài chính, hạ tầng đất đai, kinh nghiệm quản trị điều hành doanh nghiệp cho đến việc “đặt hàng”, “bao tiêu” các sản phẩm, dự án khởi nghiệp có tính khả thi với thị trường.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, bối cảnh mới và xu hướng khởi nghiệp ĐMST mở dựa trên làm chủ công nghệ lõi và ứng dụng công nghệ mới đang gia tăng đặc biệt là các công nghệ của cuộc cách mạng lần thứ tư như số liệu lớn, trí tuệ thông minh, internet vạn vật..Bởi vậy, Hà Nội sẽ có cơ hội để vừa thử nghiệm các thể chế vượt trội nhằm phát triển các mô hình kinh doanh mới trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Đề cập đến chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Thành phố, bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội cho biết, Đề án 4889 của UBND TP. Hà Nội năm 2019 về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019 – 2025 bao gồm 7 nhiệm vụ chính: Đẩy mạnh truyền thông; phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái; hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư; hình thành trung tâm ĐMST và khởi nghiệp Hà Nội. Các sở ngành Hà Nội đã rất nỗ lực để đưa các chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn và đem lại những kết quả nhất định cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố.
TS. Hà Huy Ngọc cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Thành phố như: Kiến tạo hệ thống quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, thuận lợi, minh bạch cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển; Khai thác thương mại hóa tài sản trí tuệ và thanh toán giá trị tài sản sau khi được giao quyền; Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của khu vực và quốc gia; Khơi thông dòng chảy để thu hút nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như sửa đổi các quy định để tạo thuận lội cho các nhà đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; tạo nguồn vốn tư nhân đầu tư vào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Cơ chế mang tính đột phá, vượt trội đối với Thủ đô Hà Nội; Chính phủ cho phép Hà Nội thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm…